Tuyên bố chung sau hội nghị nhấn mạnh trọng tâm mối quan hệ song phương Mỹ-Australia trên những bình diện như cùng chia sẻ tầm nhìn về việc định hình một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng; thúc đẩy các hành động khí hậu và công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh; tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng; chia sẻ các cam kết về an ninh toàn cầu; bảo vệ lợi thế và vị thế trong ngành công nghệ; và cùng phát triển một cấu trúc thương mại khu vực đáng tin cậy, một chuỗi cung ứng có sức bền để đảm bảo nền kinh tế bền vững. Cuộc họp lần này, diễn ra sau AUSMIN hồi tháng 12/2022 tại Washington, chứng kiến các nhà lãnh đạo quốc phòng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hoạt động bố trí lực lượng, phát triển năng lực và nỗ lực tiếp cận với các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles chia sẻ: “Hai bên đã có một cuộc trò chuyện rất hiệu quả về tình trạng của liên minh – về tình trạng của thế giới hiện nay, về sự phức tạp, thiếu ổn định và mối đe dọa trong đó… Và khi cùng đứng trong thế giới này, tất cả chúng tôi đều cảm thấy rằng liên minh chưa bao giờ ở trong tình trạng tốt hơn”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và cam kết đầu tư hơn nữa cho liên minh để duy trì tầm nhìn này”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì cho biết một ví dụ cụ thể về sự hợp tác này là Mỹ sẽ “làm sâu sắc thêm” hợp tác trong phối hợp lực lượng với Australia, bao gồm kế hoạch nâng cấp các căn cứ không quân quan trọng ở Vùng Lãnh thổ Bắc Australia như Căn cứ Không quân Darwin và Tindal, đồng thời khảo sát và triển khai dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại các địa điểm mới gồm Căn cứ Không quân Scherger và Curtin. Ông nhấn mạnh: “Tất cả những sáng kiến này sẽ tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng trong khu vực, đồng thời tăng cường khả năng tương tác của hai bên”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marles nhấn mạnh nỗ lực trong những lĩnh vực quan trọng. Ông nói: “Về các sáng kiến bố trí lực lượng, chúng tôi đã nhất trí rằng hợp tác không gian giờ đây sẽ trở thành một phần quan trọng trong hợp tác quân sự và quốc phòng, và đây là một bước tiến quan trọng”. Quân đội Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện luân phiên lực lượng tại Australia, bao gồm cả hoạt động của máy bay trinh sát và tuần tra hàng hải để nâng cao nhận thức trong khu vực. Theo giới chức, việc luân phiên thường xuyên tàu của lực lượng Lục quân sẽ cho phép Mỹ xác định cụ thể các yêu cầu liên quan đến hậu cần và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động luân chuyển. Quân đội Mỹ cũng sẽ thiết lập một khu vực hỗ trợ hậu cần lâu dài tại Queensland để mở rộng hơn nữa hoạt động hậu cần và hợp tác bền vững. Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cam kết tìm kiếm cơ hội để tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa với các đối tác, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc, nhấn mạnh đến lợi ích đối với an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các bên thống nhất thành lập Trung tâm Tình báo Kết hợp trong Khuôn Tổ chức Tình báo Quốc phòng Australia vào năm 2024, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác tình báo lâu dài giữa tổ chức này và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, tập trung phân tích các vấn đề liên quan mối quan tâm chiến lược chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuyên bố chung của AUSMIN gọi tăng cường khả năng tương tác ba bên là “một khoản đầu tư quan trọng cho năng lực răn đe hiệu quả và đáng tin cậy”. Vấn đề trọng tâm hiện nay là liệu những bước phát triển này có đang biến Australia thành một căn cứ cho các chiến dịch tấn công của Mỹ vào châu Á hay không. Ngôn ngữ trong các phát biểu của chính phủ hai nước nhấn mạnh đến sự răn đe hơn là đầu tư và can dự. Và giờ, Canberra cần cân nhắc những chính sách để tránh bị ràng buộc, nói cách khác là đảm bảo khả năng hành động độc lập của Australia, đặc biệt nếu tại một thời điểm nào đó trong tương lai, lợi ích của Mỹ và Australia không thống nhất. |