Lợi nhuận lớn…
Ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - nhận định,ếtchặtquảnlýtruyquéttừngbaothuốclálậkq myanmar tình hình buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam còn rất nhiều, vì giá rẻ, trốn thuế nên tương đối cạnh tranh với các sản phẩm trong nước.
Cụ thể, trong 10 năm trở lại đây, sản lượng thuốc lá nhập lậu tiêu thụ bình quân từ 700 triệu bao đến hơn 1 tỷ bao/năm, tương đương từ 18-25% thị phần thuốc lá tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh còn phức tạp song các lực lượng chức năng vẫn phát hiện và thu giữ hơn 1,6 triệu gói thuốc lá lậu, trong đó hai nhãn thuốc Jet và Hero chiếm 90% tổng số thuốc nhập lậu đã và đang gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước cũng như doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Lục lượng quản lý thị trường Gia Lai xử phạt một cửa hàng bán thuốc lá lậu. Ảnh Cục Quản lý thị trường Gia Lai |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hầu hết các cửa hàng, tiệm tạp hóa tại khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Long An… đều bán thuốc lá nhập lậu với hai loại chủ yếu là thuốc Jet và Hero. Khi được hỏi nguồn hàng nhập từ đâu, các tiệm tạp hóa đều cho biết, cứ 3- 4 ngày hoặc 1 tuần sẽ có người mang thuốc lá nhập lậu đến hỏi nhu cầu, cần mua bao nhiêu cũng có. Họ không để lại địa chỉ, số điện thoại nên không thể liên lạc được.
Lý giải việc kinh doanh thuốc lá lậu vẫn “sôi động” dù sẽ bị xử phạt nếu cơ quan chức năng phát hiện, một chủ tiệm tạp hóa tại quận Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Lợi nhuận của bán thuốc lá lậu khá lớn khi giá gốc của một gói thuốc lá nhập lậu chưa tới 10.000 đồng/gói, nhưng giá đến tay người mua từ 24.000 - 25.000 đồng/gói. Thậm chí, trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua có thời điểm giá thuốc Jet tăng tới 40.000 - 50.000 đồng/gói nhưng không có hàng để bán.
Siết chặt quản lý và xử phạt
Trước vấn nạn trên, năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Trong đó, Điều 8 của Nghị định đã quy định rõ các mức xử phạt thấp nhất là phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao.
Kể từ khi Nghị định 98 có hiệu lực, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, phát hiện và xử phạt không ít vụ việc. Chẳng hạn tại Long An, theo Cục Quản lý thị trường Long An từ cuối năm 2020 tới nay các đội quản lý thị trường trong tỉnh này đã xử phạt hàng chục tiệm tạp hóa bán thuốc lá lậu. Dù các tiệm tạp hoá trên kinh doanh thuốc lá với số lượng ít (có tiệm chỉ bán 6 bao) nhưng cũng bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tịch thu hàng hoá. Thậm chí, theo quy định mới tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, các chủ tiệm tạp hóa ngoài bị phạt hành chính tới 3 triệu đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm.
Tương tự tại Gia Lai, vào đầu tháng 8/2021, Cục Quản lý thị trường Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 1 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh với số tiền phạt 20 triệu đồng vì hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, đồng thời tịch thu toàn bộ 308 bao thuốc lá nhập lậu mà hộ này kinh doanh.
Những hành động quyết liệt của cơ quan chức năng đang là hồi chuông cảnh báo các cửa hàng, tiệm tạp hóa cần tỉnh táo không kinh doanh thuốc lá lậu. Thay vào đó chuyển sang buôn bán những sản phẩm hợp pháp được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo vệ cho kinh doanh lâu dài, cũng như được bảo vệ từ chính doanh nghiệp sản xuất hợp pháp.
Riêng về phía người tiêu dùng, theo Nghị định 98, nếu tàng trữ (mua, sử dụng) dù chỉ 1 bao cũng sẽ có thể bị phạt đến 3 triệu đồng. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng cần nắm rõ Nghị định này để tránh các vi phạm liên quan và không tiếp tay cho thuốc lá nhập lậu.
Với mức xử phạt tăng cao của Nghị định 98, thời gian tới cả người bán lẫn người mua cần tỉnh táo nói không với sản phẩm bất hợp pháp. Nếu thực hiện tốt thì về lâu dài sẽ có những tác động tích cực hơn trong công tác phòng chống thuốc lá lậu, giảm thất thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự xã hội. |