(CMO) Sống chung với mạng xã hội là “sống chung với lũ” nhưng không phải “sống liều, sống bất chấp” mà là “sống thân thiện cùng thế giới đại đồng”. Đó là nội dung cốt lõi trong bài tham luận của Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau tại buổi tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội”, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TP. Cần Thơ vừa tổ chức sáng nay, 7/9. Báo Cà Mau xin giới thiệu toàn văn bài tham luận này.
Nhà báo Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì và phát biểu tại buổi tọa đàm.
Thưa quý vị và các bạn!
Hôm nay tôi xin mạn phép nói về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội như chủ đề mà cuộc hội thảo đưa ra. Nói rộng hơn, đó là đạo đức làm nghề của một nhà báo. Thế nhưng, tôi không nói theo một cách mô phạm, mà theo suy nghĩ của mình.
Thưa các vị khách quý!
Thưa các bạn đồng nghiệp!
Tôi xin bắt đầu câu chuyện từ 1 phạm vi hẹp. Tỉnh Cà Mau của tôi, là tỉnh cuối cùng cực Nam Tổ quốc, cách xa các trung tâm chính trị - kinh tế lớn. Điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng nơi đây còn khá lạc hậu. Thế nhưng, theo thống kê của các nhà mạng, số lượng thuê bao internet và thuê bao có kết nối internet ở tỉnh tôi đã vượt qua 1,2 triệu trên tổng số 1,22 triệu dân. Tức là, nếu tính cả người già và trẻ nhỏ thì mỗi người dân đều có 1 thuê bao viễn thông kết nối internet.
Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau trình bày tham luận.
Điều đó cho thấy, dù là 1 tỉnh vùng sâu, vùng xa nhưng internet đã trở thành phổ dụng. Và dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo những gì chúng tôi tìm hiểu được, thì đa số người trưởng thành đều tham gia ít nhất 1 mạng xã hội.
Tôi có 1 anh bạn vong niên, đã gần 40 tuổi rồi, không biết 1 chữ bẻ đôi nhưng anh ta tham gia Facebook rất thường xuyên. Anh ta nhờ người khác tạo tài khoản cho mình và thế là chính thức hoà nhập vào môi trường xã hội ảo. Đặc điểm của anh ta là khi chia sẻ 1 vấn đề, ai comment mặc ai, anh ta chỉ dùng biểu tượng biểu cảm nhưng rất trách nhiệm với vấn đề chia sẻ. Và từ ngày có mạng xã hội, anh ta đã biết “bàn thời sự”, đi làm ăn xa biết gọi video về chat cùng bạn bè…
Như thế đó, mạng xã hội đã mang đến cho mọi người, kể cả người mù chữ 1 phương thức giao tiếp hiệu quả để gia nhập thế giới hiện đại.
Nhờ có mạng xã hội mà những khoảng trống kiến thức của chúng ta được lấp đầy, được bạn bè giúp lấp đầy.
Tôi nhớ năm ngoái, cũng khoảng tháng này, một số báo trong nước đã làm độc giả “sửng sốt” trước những bài viết về hình ảnh tham quan những trang trại bò sữa ở Châu Âu. Điều “đặc biệt” ở những trang trại này là những con bò được tạo lỗ thông dạ dày, người chăn nuôi có thể cho tay trực tiếp vào dạ dày bò. Mạng xã hội lại “dậy sóng”, cho rằng như thế là man rợ, đi ngược lại tiến bộ KHKT...
Thế nhưng, tôi nhớ, kiến thức này đã được thầy cô đề cập từ cấp THCS, hơn 30 năm trước tôi đã tiếp cận. Tìm trên Google thì không có tài liệu phổ dụng về lĩnh vực này, mà phải biết từ khoá. Thế rồi, thông qua Facebook, một anh bạn kỹ sư nông nghiệp đã giúp tôi tìm ra tài liệu gốc. Đó là phương pháp tạo lỗ thông dạ dày bò mà Colin đã thực hiện thành công từ năm 1886, tức là hơn 130 năm trước. Nó đã trở thành phương pháp chăn nuôi hiệu quả ở các trang trại bò sữa hiện đại, giúp tăng chất lượng chăn nuôi rất nhiều.
Dù là hay ho như thế nhưng mạng xã hội ví như một đứa trẻ tăng động, rất vui nhộn, thân thiện, thú vị nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước thềm năm học mới, báo chí lại có dịp sôi động với việc Cà Mau có hơn 1.400 giáo viên “dôi dư”. Mạng xã hội lại đẩy vấn đề đi xa hơn, rằng số giáo viên này sẽ mất việc ngay trong năm học mới này.
Thế nhưng, sự việc không phải như vậy!
Tọa đàm có sự tham gia đông đảo của những người làm báo đang hoạt động tại khu vực ĐBSCL.
Thưa các vị khách quý và các bạn đồng nghiệp!
Cà Mau là 1 tỉnh có dân số trẻ. Những năm qua, mỗi năm số học sinh nhập học ở bậc học phổ thông đều trên dưới 250 ngàn người, tức là hơn 1/5 dân số. Ngoài tăng cơ học thì đổi mới phương pháp giáo dục đã làm tăng chi phí và quy mô. Vì thế, từ năm học 2015-2016, tỉnh Cà Mau phải cấp bù ngân sách địa phương trên 80 tỷ đồng, và đến năm học vừa qua đã tăng lên trên 200 tỷ đồng.
Trước áp lực đó, Cà Mau phải thực hiện rà soát lại biên chế chặt chẽ để cắt giảm nhằm tiết kiệm ngân sách. Thế nhưng, với quy mô giáo dục hiện tại và theo quy định chung của Bộ Nội vụ cùng Bộ GD&ĐT thì Cà Mau không những không dôi dư hơn 1.400 biên chế đó mà còn thiếu rất nhiều biên chế để đảm bảo quy mô giáo dục đúng chuẩn.
Thế nhưng, sự việc lại đẩy lên theo 1 hướng khác, làm hàng ngàn gia đình lao đao, phập phồng lo sợ mất việc!
Và cũng đầu năm học này, việc đổi mới phương pháp giáo dục đã làm dậy sóng mạng xã hội. Người biết thì không nói, người nói thì không biết sự việc đó từ đâu, ảnh hưởng gì nhưng vẫn cổ xuý, “đánh hội đồng”.
Trong những xô bồ; lẫn lộn trắng đen đó, chúng ta vẫn còn có nhiều nhà báo, người làm báo rất trách nhiệm với nghề, với mạng xã hội!
Những người làm báo vùng ĐBSCL đa số đều sử dụng mạng xã hội, phổ biến là Facebook. Ngoài Facebook cá nhân còn có nhiều nhóm mở mà anh em lập ra, nổi trội nhất là nhóm “Ký giả miền Tây”. Ở đây, anh em làm báo thể hiện trách nhiệm cao độ của 1 ký giả thực thụ.
Trở lại vấn đề cải cách giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Trong “sóng gió” của mạng xã hội, báo SGGP đã có những bài viết về vấn đề này và anh em chia sẻ lại với trách nhiệm làm dịu dư luận. Hoá ra, cuốn sách Công nghệ giáo dục đã ra đời và được dạy thí điểm từ năm 1978, đến nay 40 năm mà Bộ GD&ĐT vẫn chưa kết luận chính thức để nó mang tiếng xấu và vẫn là 40 năm thử nghiệm.
Thưa các vị khách quý và các bạn đồng nghiệp!
Khái niệm “Nhà báo công dân” lạ lẫm ngày trước, giờ nó đã dần quen thuộc, không còn xa lạ nữa khi mọi công dân đều có thể xuất bản “tác phẩm” của mình trên các phương tiện truyền thông.
Tôi thiển nghĩ, nhiều nhà báo, dù chưa được tuyên thệ trước Đảng kỳ nhưng cũng đã có 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Và dù chưa là 1 nhà báo chính thức có thẻ nhà báo nhưng cũng là một công dân, một người làm báo dưới ngọn cờ của Đảng.
Không có lợi ích nào lớn hơn lợi ích quốc gia - dân tộc mà mỗi công dân, nhà báo công dân và mỗi nhà báo phải bảo vệ.
Không ai có thể vượt qua nỗi lo lắng - sợ hãi bằng sự lo lắng - sợ hãi mà phải đối đầu để giải quyết. Vì thế, chúng ta không nên tẩy chay mạng xã hội mà nên lấy nó làm công cụ sử dụng sao cho hiệu quả.
Sống chung với mạng xã hội là "sống chung với lũ". Sau nhiều năm chờ đợi mà không có lũ về, người dân ĐBSCL mới “ngộ” ra 1 điều nhắn gởi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thế hệ sau rằng, “sống chung với lũ” không phải là “sống liều”, “sống bất chấp” trước “miệng Hà bá” mà là “sống thân thiện môi trường”. Với mạng xã hội cũng vậy, sống chung với nó là sống thân thiện cùng thế giới đại đồng.
Thông qua câu chuyện hôm nay, tôi đưa ra một vài ví dụ nhỏ trong vô vàn những điều xung quanh mình mà mỗi phút, mỗi giây, người làm báo phải nắm bắt và truyền tải với tinh thần là những người tiên phong, làm chủ thông tin.
Và tôi cũng ý thức được rằng, mình phải sắm hai vai cho tròn, trước tiên với thông tin chính thống của mình và phải tiên phong về thông tin trên mạng xã hội để những điều hay, lẽ phải, việc tốt được lan rộng, vang xa; để xã hội ngày càng văn minh, lịch sự.
Chúc các vị khách quý, các bạn đồng nghiệp có một ngày làm việc hiệu quả.
Trân trọng kính chào!
Nhà báo Nguyễn Chiến