Ngay sau khi Hiệp định RCEP được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ kỹ hơn về tác động của FTA này, những thách thức với nền kinh tếViệt Nam sau khi hiệp định được đi vào thực thi cũng như các cam kết của Việt Nam tại RCEP có gì khác biệt so với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Thưa Bộ trưởng, RCEP đã được ký kết sau 8 năm đàm phán, Bộ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa và tác động mang lại đối với Việt Nam và ASEAN? Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trong trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định. Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tưvà hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. |