Phương án nào phù hợp?
Mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất 3 phương án thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 để xin ý kiến nhân dân, phụ huynh và chuyên gia giáo dục. Theo đó, phương án 1: Thi tuyển 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư buộc phải thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Bài thi thứ 4 do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài với môn thi Toán, Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút.
Phương án 2 là giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm học 2018-2019, tức kỳ thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3 là tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi Ngữ văn, Toán và 1 bài thi Tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân; Tổ hợp 2 gồm: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, để nâng cao chất lượng dạy và học, điều cần thiết là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phải có thêm môn Ngoại ngữ. Đề xuất này được đưa ra dựa trên việc tổng hợp, sàng lọc tại Kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Từ kết quả này, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận thấy rằng, mức độ học sinh đạt điểm tốt chưa nhiều, so với các năm không có điểm vượt trội hơn. Bên cạnh đó, để đạt được mục đích quan trọng là nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ, học sinh cần phải rèn luyện, bồi dưỡng khả năng của mình ngay từ khi còn học tại cấp THCS.
Trước những phương án thi vào lớp 10 được Sở GD&ĐT đưa ra, ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã có những phân tích liên quan tới 3 phương án này. Theo ông Tùng, ở phương án 1, tổ chức thi tuyển 4 bài gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư thuộc một trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân,... sẽ phát huy được mục đích giáo dục toàn diện.
Ở phương án 2, thi tuyển kết hợp xét tuyển như cũ sẽ bộc lộ hạn chế khi không thi môn Ngoại ngữ dẫn đến việc học sinh chưa chú trọng môn này, gây khó khăn nhiều trong việc học Ngoại ngữ ở THPT.
Bên cạnh đó, ông Tùng thẳng thắn chỉ ra việc xét tuyển dựa vào điểm 4 năm THCS của học bạ dẫn đến đánh giá trong học bạ chưa thật sự khách quan, thiếu độ tin cậy. Nhiều trường THPT không đồng tình với kết quả này. Trong thực tế, qua kiểm chứng ở THPT, khá nhiều học sinh có học bạ THCS “đẹp” nhưng lực học lại kém.
Ở phương án 3, việc thi thêm bài tổ hợp như thế là rất nặng nề và không hiệu quả. Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ công bố bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3, tức là học sinh chỉ có chưa đủ 2 tháng để chuẩn bị một cách chủ động, cả năm học phải học để sẵn sàng đi thi cho 9 môn. Nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ… đã nhận ra sự bất cập của phương án thi tổ hợp và hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại. Theo thầy Tùng, phương án 1 là phù hợp nhất, khắc phục được các nhược điểm của hai phương án còn lại.
Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội lại nghiêng về phương án 3, là thi thêm bài thi tổ hợp. Bởi theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mục đích của thi tổ hợp là thầy và trò đều phải học, từ lớp 6 cho đến lớp 9, học đều các môn. “Quan điểm của tôi là có học thì phải có thi, như vậy mới có kết quả. Không những kiểm tra hàng ngày, hàng tháng, mà sau hết một cấp học cũng phải có thi và đánh giá kiến thức học sinh tích lũy được.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nếu chỉ thi môn Ngữ văn và Toán, học sinh sẽ chỉ học hai môn này mà bỏ bê các môn khác, dẫn đến bị hổng kiến thức. Giai đoạn học sinh bước vào học THCS rất quan trọng, nếu không cân bằng việc phát triển trí tuệ thì rất lãng phí”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố 3 phương án thi vào lớp 10, năm học 2019-2020 các chuyên gia giáo dục đều có những phân tích cụ thể về ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án thi. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án thi đều cần phải hướng đến các em học sinh nhằm đảm bảo giảm áp lực trong thi cử.
Lo phát sinh học thêm, dạy thêm
Trong những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi vào lớp 10 theo phương án thi môn Ngữ văn và Toán kết hợp xét học bạ nhưng tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra. Trong khi đó, tại Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 luôn được đánh giá căng thẳng, thậm chí có những trường THPT có tỉ lệ chọi còn cao hơn cả những các trường đại học. Do vậy, buộc thí sinh phải tăng cường học thêm để có thể vượt qua kỳ thi và có một “tấm vé” vào lớp 10.
Chị Nguyễn Thị Thủy, có con đang học lớp 8, trường THCS Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho biết: “Những anh chị khóa trước thi có 2 môn Ngữ văn và Toán mà ngay từ đầu năm lớp 9 cả nhà đã nháo nhào đăng ký học thêm ở nhà thầy cô, trung tâm luyện thi, thuê gia sư về dạy… để củng cố kiến thức. Do học thêm quá nhiều các cháu cũng không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Nếu thi thêm bài thi tổ hợp chắc các cháu sẽ còn phải học thêm nhiều nữa”.
Theo cô N.T. T, giáo viên trường THPT Văn Hiến (Hà Nội), phương án 1 phù hợp với hơn so với những phương án thi khác. Bởi nếu thực hiện thi vào lớp 10 theo phương án 3, nguy cơ phát sinh việc học thêm – dạy thêm vì các em phải học khá nhiều môn. Khi đó, học sinh có nhu cầu thi môn nào là phải học môn đó nên chắc chắn nhà trường sẽ phải bố trí giáo viên giảng dạy. Bên cạnh đó, các em sẽ học thêm ở trung tâm luyện thi.
Trước tâm lý lo lắng của phụ huynh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng “áp lực không nằm ở việc thi 2 môn hay 6 môn, mà nằm ở cách ra đề thi. Thầy Lâm cho rằng, trước khi thay đổi phương án thi, Sở GD&ĐT cần ra những đề thi mẫu để học sinh làm quen, để rèn tư duy. Đề thi cần theo hướng rèn kỹ năng, trí tuệ là chính chứ không phải ra đề thi theo hướng học máy móc, thuộc lòng.
Cùng với đó, thầy Tùng cũng đề xuất Sở GD&ĐT nên công bố đề thi minh họa để giáo viên và thí sinh tham khảo. “Nếu có thể, Sở GD&ĐT nên công bố đề minh họa vào 2 đợt: Đợt 1 gồm đề 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào khoảng tháng 10, tháng 11. Đợt 2 gồm 4 môn, ngay sau khi Sở GD&ĐT công bố môn thi thứ tư. Bên cạnh đó, Sở cũng cần dành nhiều thời gian và nhân lực cho việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm để chủ động và tạo được các đề thi có chất lượng”, thầy Tùng kiến nghị.