Theêmnhiềugiảiphápđểpháttriểnthịtrườngtráiphiếudoanhnghiệlịch bóng đá australiao đó, bên cạnh vấn đề về thị trường sơ cấp, vấn đề về cơ sở hạ tầng thị trường và phát triển thị trường thứ cấp đang là các nội dung được quan tâm.
Đây là thông tin được Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết tại Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam: Định giá trái phiếu và thị trường thứ cấp”, diễn ra ngày 27/9, tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á, cùng với sự hỗ trợ của Asian Bond online.
Thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục phát triển
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết, trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Đến cuối tháng 9/2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 9,91% GDP. Dự kiến, hết năm 2019 quy mô thị trường sẽ cao gấp 9,6 lần so với năm 2012, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. “Có được kết quả này là do khung khổ pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp liên tục được đổi mới, hoàn thiện, cơ sở nhà đầu tư dần được đa dạng hóa, hạ tầng thị trường từng bước được hoàn thiện” – bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền, quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã bộc lộ một số vấn đề như: Quy mô của thị trường nhỏ, phát hành trái phiếu chưa trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp; thị trường thứ cấp chưa phát triển, thanh khoản sau khi phát hành thấp, tính công khai minh bạch còn hạn chế;…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thị trường còn thiếu một số các yếu tố như tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa hoạt động và cung cấp dịch vụ; chưa có tổ chức định giá trái phiếu; chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp mới được hình thành và cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, “cơ sở nhà đầu tư còn mỏng, thiếu các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh, nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng thương mại. Các quỹ đầu tư chưa tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong khi nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu, nhưng không có khả năng phân tích rủi ro và thiếu kinh nghiệm đầu tư” – lãnh đạo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính chia sẻ thêm.
Thúc đẩy cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường thứ cấp
Cuối năm 2018, Nghị định 163/2018/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành. Một số nhận định cho rằng, nghị định này mở ra cơ hội lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và thực tế đã tạo ra động lực hỗ trợ cho thị trường tăng trưởng sôi động từ đầu năm tới nay. Chưa dừng ở đó, để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã có những sửa đổi căn bản cả về phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Bà Phan Thị Thu Hiền còn cho biết thêm, Bộ Tài chính đang xây dựng báo cáo các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó đề xuất các giải pháp tổng thể từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến phát triển cơ sở nhà đầu tư, tổ chức thị trường, tăng cường quản lý, giám sát. Theo đó, bên cạnh vấn đề về thị trường sơ cấp, vấn đề về cơ sở hạ tầng thị trường và phát triển thị trường thứ cấp đang là các nội dung được quan tâm.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Viện Nghiên cứu Nomura và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị cụ thể các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Meor Amri bin Meor Ayob - Tổng Giám đốc điều hành, Tổ chức Định giá trái phiếu Malaysia, để gia tăng thanh khoản cho thị trường sơ cấp thì cần các yếu tố như: doanh nghiệp phát hành phải chất lượng, nhà đầu tư phải chuyên nghiệp và thông tin phải chính xác,… Còn trên thị trường thứ cấp, để thanh khoản tốt cần có nền tảng giao dịch tốt, thông tin phải chính thống và các quy định pháp lý phải đầy đủ, rõ ràng,…
Tại hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Nomura cũng đã chia sẻ về mô hình thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và đưa ra một số đề xuất để thị trường này phát triển hơn, như: Bảng thông tin về trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu phải cung cấp báo cáo cho bảng thông tin này, yêu cầu trái phiếu do công ty không đại chúng phát hành cũng phải lưu ký,…
Duy Thái