Trong quý III,ốngdịchhiệuquảđểphttriểnkinhtếkq balan tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi trên địa bàn xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (ngày 8-7-2021), từ đó tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng đồng thời phải thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng Đảng, đảm bảo an sinh xã hội. Đến thời điểm này nhìn lại có thể thấy tỉnh nhà rất nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ vừa nêu, kết quả đạt được khá phấn khởi.
Nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực được tổ chức để chăm lo, giúp đỡ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch.
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ
Cụ thể, trong công tác phòng, chống dịch, tỉnh thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm ghi nhận ca F0 đầu tiên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và kịp thời ban hành nhiều văn bản nhằm tạo thống nhất chung trong nhận thức và hành động, góp phần chống dịch hiệu quả. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Khi có ca nhiễm mới trong cộng đồng là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức ngay cuộc họp đột xuất, thậm chí là trong đêm để chỉ đạo kịp thời việc rà soát, khoanh vùng dập dịch. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thường xuyên, liên tục đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các “điểm nóng”; kiểm tra thực tế tại khu cách ly tập trung để chỉ đạo khắc phục những thiếu sót còn gặp phải, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu vực này.
Đối với các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã thực sự trở thành những “pháo đài” vững chắc trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền phòng, chống, đẩy lùi đại dịch. Đến nay, Hậu Giang là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, là tỉnh có số ca nhiễm thấp trong khu vực ĐBSCL.
Dù vất vả, dồn sức chống dịch nhưng tỉnh không xem nhẹ việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy mà nhiều chỉ tiêu kinh tế phát triển khả quan, góp phần tạo nguồn lực chống dịch.
Cụ thể, tỉnh chủ động chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án và duy trì sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19, thực hiện nghiêm phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trong quý trên 7.114 tỉ đồng, tính chung 9 tháng được trên 20.297 tỉ đồng, tăng trên 2,5% so cùng kỳ, đạt gần 64% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp thu được kết quả đáng phấn khởi. Người dân có lợi nhuận khá vì vụ lúa Đông xuân trúng mùa, được giá, năng suất bình quân đạt trên 7,8 tấn/ha, tăng 0,15 tấn so cùng kỳ, giá lúa tăng từ 500-700 đồng/kg so với cùng kỳ. Thu ngân sách được 8.676 tỉ đồng, đạt 116,82% kế hoạch.
Cũng trong thời gian này, công tác chăm lo, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong đó, Hậu Giang là điểm sáng trong việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bà Võ Thị Mỹ Trang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thông tin, việc thực hiện Nghị quyết số 68 được tỉnh triển khai với tinh thần khẩn trương, đúng đối tượng. Đến nay, đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 10/12 chính sách theo nghị quyết; cơ bản hoàn thành chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan trong quý III.
Phòng, chống dịch hiệu quả để phát triển kinh tế
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho rằng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo quyết liệt, đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền nên tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trong quý III.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy trăn trở khi các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp so với yêu cầu đề ra như: giá trị sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, số doanh nghiệp thành lập mới... Đặc biệt, động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh đang ở điểm nghẽn, đứng trước nguy cơ tụt hậu với khu vực và cả nước, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới và có những đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển mới.
Lãnh đạo Tỉnh ủy cũng đánh giá, công tác phòng, chống dịch trong 3 tháng qua đạt được những thành quả quan trọng bước đầu, tạo điều kiện để tỉnh từng bước nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái bình thường mới, song hiệu quả công tác phòng, chống dịch chưa bền vững và còn đối mặt với nhiều nguy cơ tái bùng phát dịch trở lại. Thực tiễn đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, trước mắt tập trung hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch quý IV và cả năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Với định hướng đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị toàn tỉnh chuyển mục tiêu từ tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch sang thực hiện thành công mục tiêu kép: phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần là: phòng, chống dịch hiệu quả để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế để có nguồn lực phòng, chống dịch hiệu quả lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tỉnh sẽ áp dụng các kịch bản phòng, chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.
Việc chuyển đổi mục tiêu như định hướng kể trên là rất đúng đắn, mang tính cấp thiết trong tình hình mới hiện nay và tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu kép. Theo đó, trong quý IV, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo, Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; duy trì họp giao ban trực truyến với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian tới, đảm bảo an toàn, khoa học, đúng đối tượng. Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng các phương án, kịch bản phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh tương ứng với từng diễn biến của dịch Covid-19.
Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng lộ trình mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, đồng thời điều chỉnh dần cho phù hợp theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.
Những tháng cuối năm, Hậu Giang cũng sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết quy trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh linh hoạt, tự chủ mà vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Triển khai và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp kịp thời tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch…
Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư công năm 2021 phân bổ chi tiết cho các dự án (đến ngày 15-9) trên 2.300 tỉ đồng; giá trị giải ngân là 1.191 tỉ đồng, đạt tỷ lệ trên 51,7%. Mục tiêu phấn đấu đến ngày 31-12, giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% đến 100% kế hoạch giao đầu năm. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (bao gồm các dự án đầu tư công và đầu tư tư), các dự án khu đô thị, các dự án trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN