Xuất khẩu gỗ tăng trưởng nhưng còn nhiều lo ngại | |
Xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ “nhắm” đích 18 - 20 tỷ USD |
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang rất lo ngại nguồn cung gỗ nguyên liệu khan hiếm và giá tăng cao. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Xuất khẩu và nhập khẩu gỗ với Nga đều thấp
Theo báo cáo “Tác động của cuộc chiến Nga- Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai” công bố tại tọa đàm “Xung đột Nga – Ukraine và tác động tiềm tàng tới ngành gỗ Việt Nam” ngày 9/3, Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam.
Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn trong cùng năm. Gỗ xẻ, gỗ dán, veneer là các mặt hàng nhập khẩu chính, với kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ở chiều ngược lại, trong các thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam, Nga là thị trường rất nhỏ. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 7,3 triệu USD, tương đương 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ của Việt Nam có độ mở rất lớn, kể cả đầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu và đầu thị trường xuất khẩu.
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn từ nhiều nước trên thế giới, với khoảng gần 2/3 lượng nhập khẩu là từ Hoa Kỳ và các nước EU. Phần lớn lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và EU được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu. Đến nay, Nga chưa phải phải là thị trường quan trọng của Việt Nam, cả về khía cạnh cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm.
Trong khi đó, Nga lại là nguồn cung gỗ nguyên liệu khổng lồ trong thế giới; đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của nguồn cung này.
"Lượng cung gỗ nguyên liệu từ Nga nếu bị co hẹp hoặc thậm chí mất đi trong tương lai sẽ làm thiếu hụt cung gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam, đẩy giá gỗ nhập khẩu tăng cao”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends phân tích thêm, cuộc chiến Nga-Ukraine chứa đựng những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn như: các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế.
Ngoài ra, sức ép từ các tổ chức môi trường và nhân quyền đối với các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng gỗ Nga gia tăng, cả đối với các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Nga thông qua đầu Trung Quốc.
Tìm nguồn gỗ nguyên liệu thay thế
Trong bối cảnh hiện tại, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng: “Doanh nghiệp nên tính phương án tìm tới các nguồn cung gỗ thay thế cho nhu cầu nguồn gỗ nguyên liệu từ Nga, quan trọng là sự thay thế này phải được khách hàng chấp nhận. Mới đây, bản thân doanh nghiệp của tôi cũng làm việc với khách hàng, đặt rõ vấn đề tìm nguồn gỗ nguyên liệu thay thế, đi theo hướng sử dụng nguồn gỗ rừng trồng”.
Đồng quan điểm, một số ý kiến khác tại toạ đàm nêu rõ, nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế.
Để chủ động về nguồn nguyên liệu nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai, Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chín sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng; liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng, có tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các hộ.
“Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng. Chiến lược bao gồm việc đa dạng hóa các loài rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loài sử dụng trong chế biến”, ông Tô Xuân Phúc bày tỏ quan điểm.
Các loài bạch dương (birch), bồ đề, vân sam (hay còn gọi là linh sam) chiếm trên 85% trong tổng lượng gỗ xẻ nhập vào Việt Nam từ Nga. Bạch dương là loài có mức tăng trưởng rất nhanh, từ khoảng 1.000 m3 năm 2018 lên khoảng 103.000 m3 năm 2021. Đây cũng là loài chiếm tỷ trọng về lượng nhiều nhất (bình quân khoảng 80-90%) trong các loài gỗ tròn, veneer và gỗ dán nhập khẩu từ nguồn ngày. |