Người dân dâng hương lên đàn Âm Hồn,àitưliệuvềLễcúngcôhồnthángngàyxưtỷ số nga tưởng nhớ những người mất sự kiện thất thủ Kinh đô
Ngày “kỵ chung”
Có một lễ cúng rất Huế - Cúng “Thất thủ Kinh đô 23 tháng Năm” (âm lịch) mà trước đây người Huế xem là ngày “kỵ chung”, ngày giỗ của cả kinh thành, kéo dài từ đầu cho đến hết tháng Năm. Từng gia đình cúng, cả xóm cúng, cả chợ cúng... và cả triều đình cũng cúng. Cúng trong nhà, trong vườn, trước ngõ, đầu xóm, trong chợ, ở bến đò, bến sông, ở các miếu âm hồn. Cúng 23 tháng Năm đã trở thành một phần của tâm thức Huế, không nơi nào có được.
Lễ cúng bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử đặc biệt của kinh thành Huế. Sự kiện thất thủ kinh đô vào đêm 22 rạng 23 tháng Năm năm Ất Dậu 1885. Vè “Thất thủ Kinh đô” đã miêu tả:
“Trách lòng quan tướng không toàn
Hai bên thiên hạ chết oan rất nhiều
Súng mình nó bắn phiêu phiêu
Súng Tây nó bắn chết nhiều người ta...”
Một số tư liệu trên BAVH
Tài liệu trên BAVH ghi là ngày 24 tháng 5 thay vì 23/5.
Orband trong “Lịch biến cố An Nam” ghi: “Ngày 6 tháng 7 năm 1915 (ngày 24 tháng 5 niên hiệu 9 Duy Tân): lễ cúng tưởng niệm u hồn (cô hồn). Bài viết cho biết: “Sau những trận đánh ở Huế thời Hàm Nghi nguyên niên (1885), những người chết trận - theo lời của người dân Kinh Thành than oán – là ma đã gây ra nhiều đám cháy. Tháng 6 năm 1894 (tháng 5 niên hiệu 6 Thành Thái) Thựơng thư Bộ Lễ xin phép được dựng trong Kinh thành gần cửa Quảng Đức và gần Ly Thiên (bếp) một đàn để hàng năm đến ngày cúng (24 tháng 5 nghĩa là vào khoảng 5 tháng 7 dương lịch); nhiều bàn thờ để đặt các lễ vật cúng cho những nạn nhân chiến tranh (trang 312, BAVH tập 3 (1916), Nxb Thuận Hoá, 1997).
A. Orband trong “Lễ hội ở Huế” ghi nhận: “Ngày 24 tháng 5, ở Kinh thành có một đợt cúng cô hồn đơn giản nhưng rất cảm động. Sau các trận đánh ở Huế năm 1885, ngày mồng năm tháng bảy, vong linh người chết, theo lời kể của dân ở thành, đã trở thành nhiều hồn ma gây nhiều hoả hoạn. Vì người dân không cúng cho họ. Vì vậy đến năm 1894, Bộ Lễ có đặt ở cửa Quảng Đức một bãi đất, mà hàng năm vào ngày kỵ, người ta dựng các bàn thờ để cúng các vong linh bị chết trong chiến tranh. Vị đề đốc hộ thành đứng chủ lễ và trong buổi lễ có đọc sớ” (Trang 199, BAVH tập 3 (1916), Nxb Thuận Hoá, 1997).
Orband trong “Lịch biến cố An Nam” cho biết: “Lễ vật gồm có: một con bò, một con dê, một con lợn, xôi, thức ăn chín, nước chè, rượu, gạo, vàng bạc, đèn hương…
Một vị quan võ cao cấp được cử theo chiếu vua để điều khiển cúng bái; một quan vệ và hai ông đội hành lễ. Bài vị của Thành Hoàng (vị thần bảo vệ Kinh Thành) được đặt trên bàn thờ chính, bài vị của quan viên thương vong (các quan văn, võ tử trận) được đặt bàn thờ giữa (trung án), bài vị các lại binh (quan nhỏ và lính tử trận) trên bàn thờ bên trái (tả án), sau cùng là của nam, phụ, lão, ấu (đàn ông, đàn bàm công già, trẻ con) đặt bên phải (hữu án).
Buổi lễ có 3 tuần rượu và đọc sớ do một tuyên tế văn ở hàm bát phẩm hay thất phẩm cầu khấn như sau: “Ngày 24 tháng 5 niên hiệu 9 Duy Tân, thừa lệnh nhà vua, vị đề đốc hộ thành, Võ… xin trân trọng kính vái các vong linh của quan vị, nhân viên, quân lính nam phụ lão ấu hy sinh trong trận vào tháng 5 Ất Dậu (1885, các lễ vật tế đầy đủ như trên, kính mong quý vị vui vẻ chấp nhận cho…”
Dưới thời đại quân chủ, vào ngày tế lễ, bà Từ Cung cho lính gánh lễ vật ra cúng tại miếu. Giờ hành lễ, quan lại các bộ trong Thành Nội cũng đến hành lễ. Năm nào phẩm vật và tiền bạc cúng phong phú thì ban tổ chức cho hạ bò, lợn để cúng tế.
Dân gian và lễ cúng 23/5
Cụ Phan Bội Châu trong những năm ở Huế đã để lại bài “Văn tếcô hồnngày23 tháng Năm ở Kinh thành Huế” với những lời thống thiết:
“Thống duy!
Âm hồn các vị bà con ta xưa!
Xứ Huế riêng nhà,
Trời chung bóng.
...
Này hương hoa vàng giấy xôi rượu chuối chè, chút gọi rằng nếm lấy hơi xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào thác xem như sống…
Hỡi anh linh các đấng, phù trì cho Tổ quốc trường tồn...”
Nghi thức dân gian truyền tụng nghi lễ cúng 23/5 như sau: Bàn thượng, sắp xếp nến đèn bát nhang, bông ba hoa quả, cau trầu rượu sao cho đăng đối. Bỏ chén chè, dĩa xôi cho đúng vị trí, nghiêm túc mà nhìn lại đẹp, lại có tâm. Bàn thượng là bàn các quan. Các quan chỉ yêu cầu ngần ấy.
Bàn hạ tức bàn dưới, cũng đủ đầy các lễ phẩm ấy, nhưng thiết thêm các món Huế cúng kiếng truyền thống, như bánh ram, canh mướp đắng, ba chỉ kho tôm, đậu cô ve xào, miến trộn lòng gà vịt, canh kim châm, dĩa cơm trắng. Ngoài ra phải có mâm tạp bí lù, đủ loại củ quả trộn với nhau gồm mít, dâu truồi, bắp, đậu luộc, dưa hấu, khoai lang, củ dong, củ sắn… Rồi bắt buộc phải có nắm cơm vắt. Những món ăn chơi dân dã hằng ngày mà người Huế rất thích ăn vào những ngày hè đổ lửa. Trước cúng, sau còn cấp cho cô hồn sống. Ngày xưa, dân còn đói khổ, người ăn xin còn đầy đường. Mùa hai ba cũng là mùa họ được những bữa no.
Dân gian quan niệm, cô hồn đói khổ, một năm được một lần cúng, nắm cơm vắt là quà để cho họ ăn xong mà lận lưng mang về ăn dọc đường. Cũng như cháo thánh, muối, hột nổ, phà ra tứ phía; ai đến muộn, đến sau, đến không kịp thì còn cất công nhặt nhạnh kiếm chút thức ăn sót cho đỡ tủi thân. Lại đốt củi lửa bên bàn cúng. Là bởi biến cố kinh đô, chết đủ kiểu. Lửa cho người lỡ may chết nước, chết sông, chết hồ sưởi ấm cho đỡ lạnh. Lại có nồi nước chè, với chậu nước lạnh cho người chết khô, chết khát. Sau cuộc lễ là hình thức phóng sinh chim, lươn, cá…
Giá trị tâm linh, giá trị nhân văn của người Huế cúng cô hồn nằm trong tinh thần ấy. Tập tục cúng âm hồn là một mỹ tục thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào, đồng chủng, nó có đầy đủ ý nghĩa của một lễ hội dân gian mang màu sắc dân tộc đậm nét, tiêu biểu cho một vùng đất văn vật.
Hồ Hoàng Thảo