Phát triển đồng bộ hệ thống logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ ưu tiên trong quy hoạch tổng thể. Ảnh: CTV |
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ dựa trên 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hai là, tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó tập trung hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế, chính sách triển khai; hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; lập và ban hành các quy hoạch tỉnh trong vùng...
Ba là, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, kinh tế số, kinh tế xanh; phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chú trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và nông nghiệp; phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics; phát triển mạnh kinh tế biển...
Bốn là, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân: Bảo tồn và phát huy giá trị di dản thiên nhiên và văn hóa lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn. Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Sáu là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030; 26 nhiệm vụ, đề án và 07 dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho biết, theo Quyết định 287/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như: phạm vi, ranh giới lập quy hoạch; quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; phương hướng phát triển ngành có lợi thế…
Quyết định cũng nêu rõ, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long./.