Kích thích tổng cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Theo Bộ Tài chính, năm 2024, việc giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 trong 5 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 19,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân các tháng còn lại số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng. Theo thông tin về diễn biến kinh tế - xã hội tại Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024 của Bộ KH&ĐT cho thấy nhiều điểm tích cực: tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; tổng số doanh nghiệp tăng 1,5 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng tăng 300 doanh nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, số thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) hết ngày 31/5/2024 là 909,3 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Từ kết quả đạt được nêu trên, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Khẳng định việc ban hành Nghị định giảm thuế GTGT trong nửa cuối năm 2024 là cần thiết, theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến tác động thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2024 từ việc giảm 2% thuế GTGT sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng, trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng). Nhiều chính sách hỗ trợ tiếp tục được đề xuất Như vậy, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho DN, người dân như: chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong nửa đầu năm 2024, dự kiến giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 24 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ làm giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024 (quy mô dự kiến khoảng 84 nghìn tỷ đồng) và Nghị định 65/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (quy mô khoảng 8,56 nghìn tỷ đồng). Gần đây nhất, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng… Đối với chính sách giảm thuế xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Đánh giá về chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng các chính sách miễn giảm thuế, phí đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân. Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua có tác động tích cực trong việc hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19. |