');this.closest('table').remove();"> | | Học sinh Trường tiểu học Thủy Biều (TP. Huế) tham gia hoạt động đọc sách tại trường. Ảnh: HỒNG THẮNG |
Khi chúng ta nói về văn hóa đọc, điều thực sự quan trọng là xác định xem người đọc bao nhiêu, đọc gì và sự ghi nhớ, ứng dụng trong học tập, thực tiễn như thế nào. Văn hóa đọc nếu được phát huy sẽ khẳng định vai trò tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập, kiến thiết nền tảng dân trí, góp phần phát triển quốc gia. Một quốc gia nghèo nàn văn hóa biểu hiện ở trình độ dân trí thấp, sự thiếu vắng của đội ngũ trí thức và ít người đọc sách. Chúng ta nhớ rằng, bản nghĩa của văn hóa chính là sự gieo trồng tinh thần (bắt nguồn từ chữ Latin cultus: gieo trồng), và là sự tiếp diễn của quá trình kế thừa truyền thống xã hội. Sự gieo trồng tinh thần ấy là cả một quá trình để định hình nên một cộng đồng, một dân tộc. Văn hóa Việt Nam là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện, phân biệt với văn hóa vùng đất, khu vực khác. Một giọng nói Việt, một lời ru, một mái đình, một tô phở, một tà áo dài... chính là bản sắc văn hóa Việt Nam vậy. Linh mục Léopold Cadière, chủ biên tờ BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hué, nghĩa là “Những người bạn Cố đô Huế”) nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX, đã dành một tình cảm đặc biệt cho dân tộc Việt Nam: “Đã nghiên cứu tín ngưỡng, lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi...”. Tình cảm đó sâu sắc và thiêng liêng đến nỗi Léopold Cadière có nguyện vọng: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này, cho tôi được ở lại và chết ở đây”. ');this.closest('table').remove();"> | | Văn hóa đọc nếu được phát huy sẽ khẳng định vai trò tích cực trong kiến thiết nền tảng dân trí |
Nhưng không phải thời kỳ nào, đối tượng nào cũng coi trọng văn hóa Việt như chính hơi thở của họ. Trong diễn trình lịch sử dân tộc, một hiện tượng khiến tôi cảm thấy chua xót đó chính là sự hủy diệt, làm biến dạng văn hóa. Những gì đã từng quy định sự tồn tại độc lập của đất nước ta, đã tạo nên sức sống của dân tộc ta, tầm vóc con người Việt nhiều phen đã bị hủy hoại, trực tiếp nhất là việc đốt sách vở. Khi nhà Minh xâm lược nước ta hồi thế kỷ XV, chúng đã trực tiếp ra lệnh cho bọn tướng xâm lăng trên đường tiến quân, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, tài liệu có chữ nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Ngay cả bia đá khắc chữ chúng cũng sai người đập nát đi để xóa dấu tích văn hóa, sách cho trẻ em học chúng cũng đốt bỏ không tha. Đặc biệt, chúng còn sai người giỏi sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết đem hủy đi. Thâm hiểm hơn, nhà Minh lại cho người đem sách của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi để truyền bá tư tưởng và văn hóa của chúng, âm mưu đồng hóa dân ta, xóa hẳn gốc tích dân tộc ta. Đó là một âm mưu nham hiểm, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Do đó, việc sở hữu được những tác phẩm lớn, những cuốn sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ chính là việc gìn giữ văn hóa dân tộc và tiếp thu các giá trị tinh thần ngay trên từng con chữ. Sách là phương tiện tri thức, là công cụ để phát triển xã hội tri thức, xã hội học tập. Vì ý nghĩa và giá trị to lớn của sách, người làm sách và văn hóa đọc, ngày 25/10 – 16/11/1995, UNESCO chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”, nhằm tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại và tôn vinh văn hóa đọc. Một sự kiện đáng chú ý là năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg về Ngày sách Việt Nam, lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn của chúng ta trong việc xây dựng văn hóa đọc. Quyết định nêu rõ 3 mục đích trong điều 2, ở đây chúng tôi chú ý một mục đích quan trọng nhất là: “Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người”. Mục đích đó thật sáng tỏ, thể hiện tầm nhìn của các nhà quản lý về văn hóa đọc, nhất là việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, những tiêu chí rất cần thiết cho một xã hội tri thức, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, việc phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người cũng rất cần thiết, cho thấy lợi ích toàn năng của việc đọc sách. Nhà toán học người Pháp Rene Descartes nói rằng: “Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”. Sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của những người yêu mến sách cần được duy trì và quảng bá. Và cũng cần chú ý rằng, đọc sách không phải chỉ một ngày, không phải là phong trào, nó là thói quen, là sự tự giác, ý thức của mỗi cá nhân. Nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý quan tâm đến văn hóa đọc và tầm quan trọng của nó trong kết cấu xã hội của chúng ta. Đó là một sự thực hành văn hóa để tìm kiếm kiến thức, thông tin, giải trí lành mạnh thông qua chữ viết, của những tác phẩm, công trình đã được xuất bản một cách chính thống và có chất lượng. Sách và văn hóa đọc đã góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa quốc gia, dân tộc, phát triển năng lực cá nhân thông qua ngôn ngữ được sử dụng làm công cụ kết nối, truyền bá và lưu giữ những giá trị bất biến ngàn đời. Hãy đọc sách, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn. |