Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vietprro, trên cơ sở ủy quyền, kể từ ngày có quyết định thành lập (ngày 25/3/2011) đến nay, trong gần 3 năm, Vietprro đã quản lý trên 3.0274 tác phẩm viết, bao gồm 21.169 tác phẩm phi hư cấu và 9.105 tác phẩm hư cấu đã được công bố. Khoản tiền đầu tiên thu được từ cấp phép sao chép bản quyền tác phẩm trong gần 3 năm là 369 triệu đồng. Mục đích của việc cấp phép sử dụng là tạo ra thu nhập tối đa cho người nắm giữ quyền, khi tác phẩm của họ được sử dụng, cho nên Hiệp hội chỉ cấp phép sử dụng tác phẩm dưới hình thức không thay đổi so với bản gốc, trừ trường hợp có sự đồng ý trước của người nắm giữ quyền. Thực tế nạn xâm phạm bản quyền đang là một thách thức không chỉ đối với những người nắm giữ quyền mà cả đối với hệ thống thực thi pháp luật quyền tác giả và đối với xã hội nói chung. “Ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp của hoạt động sao chép trái phép là làm mất đi giá trị kinh tế quan trọng mà tác giả và nhà xuất bản phải được hưởng theo quy định của luật pháp. Chưa kể, nạn xâm phạm này còn tạo rào cản lớn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, khiến họ băn khoăn, ngần ngại khi thấy nguy cơ tác phẩm của họ bị mất bản quyền. Điều đó phần nào làm cho công chúng mất đi cơ hội được tiếp cận các tác phẩm có giá trị trí tuệ, khoa học….”, PGS.TS Trần Quang Nhiếp, Ủy viên Ban Chấp hành Vietprro chia sẻ. Nhiệm vụ hàng đầu là đại điện cho người nắm giữ quyền để thương lượng với người sử dụng về việc cho phép sử dụng tác phẩm dưới những hình thức nhất định, hiện Vietprro đang hoàn thành việc chuẩn bị điều kiện và năng lực cần thiết để cấp phép sử dụng sao chép dưới hình thức sao chụp và các hình thức khác… Qua đó, tạo nên “sức đề kháng” về văn hóa để giữ gìn tốt hơn bản sắc riêng của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập./. Thái Hằng |