【kqbd.duc】Khát vọng Đường Cày

时间:2025-01-09 23:52:56来源:Empire777 作者:Ngoại Hạng Anh

Báo Cà Mau(CMO) Địa danh Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Phú Tân được nhiều người biết đến qua những trang viết của nhà báo kỳ cựu Trần Thanh Phương, người con ưu tú của mảnh đất Cà Mau.

Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, là niềm thương nỗi nhớ suốt những năm dài học tập, công tác trên đất Bắc. Lần gặp ông cách đây đã mấy năm, khi ông bệnh trở nặng, cũng là thời điểm ra mắt gian trưng bày tư liệu đồ sộ của ông tại Thư viện Khoa học Tổng hợp (năm 2017), TP. Hồ Chí Minh. Cảm giác có chút nuối tiếc, vì ông đã từng mở lời gởi tặng nguồn tư liệu quý của mình cho tỉnh nhà. Thăm Đường Cày, chúng tôi hiểu thêm về quá trình phát triển của một vùng quê heo hút, đang trên đà vươn lên mạnh mẽ.

Đường cày không còn cách trở

Nhớ bài báo của nhà báo Trần Thanh Phương trên báo Cà Mau với tựa đề “Đường về nhà mình không còn xa nữa má ơi”. Bài viết của người con sống xa quê, lâu lâu trở về thăm má, ngạc nhiên vì từ TP. Hồ Chí Minh đến tận cửa nhà “chân không đụng miếng sình bùn”. Nó khác xa với ký ức của ông, ngày mới giải phóng về thăm quê. Đường về nhà mình, ông Phương phải lần hỏi người quen mới đến nơi. Gặp lại người mẹ sau bao năm xa cách, “chỉ có giọng nói là thân quen”, còn ngoại hình đã bị chiến tranh làm cho già nua, đổi khác.

Chúng tôi ghé thăm căn nhà nơi ông Trần Thanh Phương sinh ra, lớn lên trước khi đi tập kết. Ông Ba Thành (Trần Văn Thành), em ông Phương, trước giờ vẫn là nông dân chính gốc, hương hoả đất đai, thờ tự song thân tiếp đón nồng hậu. Ông Ba Thành xởi lởi, ăn nói lưu loát và có duyên. Thắp mấy nén hương lên bàn thờ, ông Ba khấn: “Bữa nay có anh em báo chí ở Cà Mau về thăm nhà mình, nhắc chuyện anh chị Hai nè ba má”. Nhìn ra con đường bê tông trước nhà, ông Thành bộc bạch: “Hồi trước ở đây đường lộ đất còn không có. Đường về nhà êm rồi mà anh Hai cứ bệnh rề rề hoài, tính về mà chưa được”.

Ông Ba Thành, em ruột nhà báo Trần Thanh Phương ôn lại kỷ niệm với người anh của mình. 

Theo lời kể của ông Ba, do bà con chạy giặc, bỏ đất đai nhà cửa lại hết, nên khi tiếp thu trở về thì hoang hoá. Riêng nhà của ông Ba thì cỏ, ráng, lứt mọc đầy, một số người vô cầm trâu. Khi đó, ông Ba và mẹ dựng tạm căn chòi, lúc ông Phương về thăm còn không có nước rửa chân, ăn uống phải nhờ bà con họ hàng lân cận phụ giúp. Rồi Đường Cày cũng dần đổi khác, cây lúa, nhất là con tôm đã giúp bà con có cuộc sống ngày càng ổn định. Ông Ba Thành chậc lưỡi: “Nơi khỉ ho cò gáy này mà có đường, có điện, có nước kéo tới nhà thì hồi trước có mơ người ta cũng không dám mơ”.

Trưởng ấp Đường Cày Nguyễn Tấn Ngoan cho biết: “Đường Cày hiện có hơn 500 hộ, chỉ còn hơn 10 hộ nghèo. Đời sống bà con ngày càng phát triển. Cái vui nhất là lộ làng, điện nước, trường học được đầu tư xây dựng đàng hoàng”. Giáp một vòng từ ngã tư Lung Môn vòng sang kênh Bún, kênh Đường Cày, đâu đâu cũng đã được kết nối, không còn tình trạng cách trở đò giang như hồi trước. Nhắc tới Nhà báo Trần Thanh Phương, vị trưởng ấp không khỏi tự hào: “Ở vùng heo hút xa xôi như thế này mà sinh ra được một trí thức như anh Phương thì còn gì bằng”. Các bậc cao niên, những thế hệ lão thành cách mạng của địa phương coi đó là tấm gương để thường nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ phấn đấu noi theo.

Khát vọng Đường Cày

Theo chân Phó trưởng ấp Đường Cày Trần Văn Miền dạo một vòng quanh ấp, chúng tôi lại thu thập thêm những câu chuyện hay về địa danh này. Ông Đinh Công Luận, dân cố cựu nơi đây, cho biết: “Hồi xưa vùng này không đường, không kênh rạch, chỉ là một vùng đầm hoang hoá. Có những người len trâu, mở đất, cứ cho trâu lội theo đường mòn rồi thành kênh sâu. Sau này, khi dẫn trâu đi cày, mỗi người cứ cày thêm một đường cho kênh sâu hơn, rộng hơn, riết rồi thành tên”. Thông tin này, chúng tôi cũng đã cố gắng kiểm chứng, song hầu như không có tư liệu chính thống nào có thể khẳng định cũng như phủ định, thế nên cứ tin rằng đó cũng là một trong những cách để Đường Cày thành vóc, thành hình.

Làng quê khởi sắc, Đường Cày hy vọng những thế hệ tiếp nối ghé vai gánh vác trọng trách xây dựng, phát triển quê hương.

Ông Luận hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, nhắc lại: “Hồi kháng chiến, đất này thuộc xã Phú Mỹ B, riêng quanh đây có tới 7 đồn vây đóng, đánh phá ác liệt”. Bọn giặc từ biệt khu Hải Yến - Bình Hưng với sự chi viện của Sư đoàn 21 chủ lực của chế độ cũ vây ráp, khủng bố, đổ quân càn quét liên tục. Tuy nhiên, dân Đường Cày một lòng với cách mạng, vẫn bền lòng quyết chí đánh giặc dù cho cực khổ, hy sinh. Chỉ ấp Đường Cày thôi có tới 4 Mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm thương binh, liệt sĩ.

Hỏi ông Luận, dân Đường Cày giờ làm giàu nhờ vào đâu, ông chỉ ra sau nhà khẳng định: “Giờ chỉ có con tôm thôi. Như nhà tôi đang làm 5 hầm trải bạt. Nuôi tôm một là theo hướng xen canh đa con, đa cây, sinh thái bền vững, hai là đầu tư lớn theo hướng siêu thâm canh”. Vấn điếu thuốc rê, ông Luận bộc bạch: “Nói chung là bây giờ bà con phát triển nhiều mô hình, nhưng cái khó là làm sao vươn lên làm giàu. Nói vậy chớ chỉ bà con tính thì cũng chưa ăn thua, muốn làm phải có vốn, có khoa học, cái này Nhà nước phải hỗ trợ”.

Trên đường về, ghé thăm Trường Tiểu học Phú Hiệp, Phó hiệu trưởng Trịnh Phương Thảo thông tin: “Trường có hơn 400 học sinh, bố trí ở 1 điểm chính và 2 điểm lẻ, đảm bảo điều kiện cho con em của Đường Cày học hành thuận lợi”. Lại nhớ đến lời cảm thán của Nhà báo Trần Thanh Phương: “Tôi ngày xưa chữ nghĩa không đầy lá mít, nhờ Đảng, nhờ cách mạng mà được học hành, trở thành nhà báo, quả thật không có gì vinh dự bằng”. Nay, trong những ngôi trường khang trang, các thế hệ con em Đường Cày đang viết tiếp giấc mơ tri thức. Rồi trong số các em, sau này sẽ có những người con ưu tú của đất Đường Cày trưởng thành, ghé vai tiếp tục hành trình xây dựng quê hương, viết tiếp truyền thống hào hùng của một địa danh vừa nghe đã mến./.

Phạm Quốc Rin

相关内容
推荐内容