Sẽ sớm có Thông tư điều chỉnh gói 30.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, sau khi giảm lãi suất ngày 18/3, tăng trưởng tín dụng tiếp tục xu hướng tăng. Tính đến 22/4, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 0,62% so với cuối năm 2013. Đồng thời, mặc dù lãi suất giảm, huy động vốn của các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Tính đến 22/4, huy động vốn tăng 3,04%. Theo bà Hồng, điều này cho thấy việc điều chỉnh trần lãi suất của NHNN phù hợp với diễn biến và kỳ vọng của lạm phát.
Cùng với việc giảm lãi suất, lãi suất các khoản vay cũ cũng được điều chỉnh giảm. Dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15% giảm còn 5,5% tổng dư nợ, các khoản vay lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dư nợ, giảm so với tỷ lệ 31% tháng 6/2013.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, NHNN đã mua được lượng ngoại tệ lớn. Tỷ giá tiếp tục ổn định, thanh khoản hệ thống cải thiện, lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Với gói 30.000 tỷ đồng cho bất động sản, NHNN cho biết đã phối hợp các bộ ngành liên quan có tờ trình Chính phủ kiến nghị kéo dài thời gian cho vay của chương trình này. Sau khi Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo, NHNN sẽ có Thông tư số 11 bổ sung các điều khoản chương trình này. Vì vậy, NHNN kỳ vọng tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng sẽ sớm được cải thiện.
Nợ xấu là 308.000 tỷ đồng
Về tiến độ xử lý nợ xấu của VAMC, Phó Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động VAMC đã mua được hơn 45.000 tỷ đồng nợ xấu (giá trị nợ gốc), phát hành 37.600 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Với số nợ mua về này, VAMC đã tiến hành kê khai, phân loại, để xem khoản nào tái cơ cấu, khoản nào bán, khoản nào có khả năng thu hồi.
Đến nay, VAMC đã phân loại được 985 khoản nợ, với tổng số nợ gốc 37.681 tỷ đồng. Sắp tới, công ty này sẽ phân loại nợ để xem xét bán và trả nợ. Cụ thể, đối với những khoản chưa vỡ nợ của 145 khách hàng, giá trị 14.700 tỷ đồng sẽ được xem xét để cơ cấu nợ; xem xét khởi kiện, thu hồi nợ, phát mại tài sản đối với số nợ 6.800 tỷ đồng của 343 khách hàng; đôn đốc nợ đối với các khách hàng có khả năng xem xét thu hồi nợ được (khoảng 15 khách hàng, nợ trên 500 tỷ đồng).
VAMC đã điều chỉnh lãi suất cho 26 khách hàng với số dư nợ là 2.200 tỷ đồng. Cùng với các ngân hàng cơ cấu lại nợ cho 420 khách hàng với số tiền 15.600 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng thu hồi được 450 tỷ đồng nợ từ các doanh nghiệp. VAMC cũng sẽ tiến hành bán nợ thí điểm đối với 40 khách hàng, tổng số nợ là 1.400 tỷ đồng. Xúc tiến xây dựng danh mục để dần dần hình thành thị trường thứ cấp bán nợ xấu.
Phó Tổng giám đốc VAMC cũng cho biết, công ty này đang đề nghị được giao thẩm quyền xử lý nợ xấu ở mức cao hơn mức 10.000 tỷ đồng đang được quy định trong dự thảo thông tư về xử lý nợ xấu. Ông Hùng cho rằng số lượng nợ xấu cần xử lý rất lớn nên VAMC cần có quyền xử lý nợ nhanh và hiệu quả, đặc biệt khi công ty đang xúc tiến bán nợ cho nước ngoài.
Trả lời câu hỏi về sự không thống nhất trong số liệu nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 2, nợ xấu trong toàn hệ thống là 3,86%, tương đương 122.000 tỷ đồng. Tuy nhiên có khoảng 185.000 tỷ đồng nợ do thực hiện Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ nên đã không được chuyển thành nợ xấu. Thực tế, nếu cộng cả số nợ này thì tổng số nợ xấu vào khoảng 308 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,71% dư nợ toàn hệ thống.
Hoàng Yến