Khu tái định cư hoang tàn
Trận lũ lịch sử năm 2009 tại huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã nhấn chìm hàng loạt nhà cửa,ơnhộdânbỏtáiđịnhcưdochínhquyềnchưatínhkỹ số liệu thống kê về getafe gặp alavés cuốn trôi hầu hết tài sản của người dân Đăk Đoát (xã Đăk Pék). Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, UBND huyện Đăk Glei đã đầu tư xây dựng khu tái định cư tại thôn Măng Rao (xã Đăk Pék) nhằm đưa 64 hộ dân thôn Đăk Đoát thoát khỏi khu vực thiên tai.
Dự án khu tái định cư Măng Rao được đầu tư 16 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích khoảng 2 ha. Mỗi hộ dân được cấp khoảng 300m2 đất và hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời tài sản. Theo tính toán, để xây một căn nhà diện tích 24m2 chi phí bỏ ra khoảng 28 triệu đồng. Sau khi bàn bạc, mỗi hộ thống nhất góp thêm 8 triệu đồng.
Năm 2012, dự án bắt đầu triển khai, đến năm 2013 thì hoàn thành với hạ tầng đồng bộ, hệ thống điện thắp sáng được kéo đến đầu ngõ, đường bê tông rộng rãi, nước sạch dồi dào. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm về ở, do địa điểm canh tác xa, tất cả các hộ dân đã quay về làng cũ sinh sống. Một số hộ dân dù bỏ tiền xây thêm nhà bếp, công trình phụ nhưng cũng phải “bỏ của chạy lấy người”.
Sau gần 10 năm bỏ hoang, không có người trông coi, bảo vệ, khu tái định cư Măng Rao bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ mái tôn, xà gồ, cánh cửa chính, cửa sổ, xuyên hoa sắt của 64 căn nhà bị tháo bỏ, để lại khung tường xây trơ trọi, hoang tàn.
Lâu ngày, cỏ dại mọc um tùm cao quá đầu gối, bao phủ khu vực sân và vào cả trong nhà. Do không có mái tôn nên bờ tường cũng bị rêu phong loang lổ. Đường bê tông thành nơi phơi vỏ cây bời lời, nguyên liệu làm hương của những người dân trong vùng. Sân bóng vắng tiếng cười nói của lũ trẻ vào buổi xế chiều.
Anh A Nhông (36 tuổi, hộ dân duy nhất hiện sống tại khu tái định cư Măng Rao) cho biết, trước đây nhà cửa được hoàn thiện đầy đủ rồi mới giao cho người dân, tuy nhiên sau đó bị mất trộm hết. Cuối năm 2022, khi hộ anh dọn về, nhà chỉ có khung tường trống không nên phải mua toàn bộ tôn, xà gồ về lợp mái, thuê người làm lại cửa đi, cửa sổ mới vào ở được.
“Khi người dân quay về làng cũ, toàn bộ tôn, xà gồ, cánh cửa bị trộm sạch. Họ bảo là bị gió, bão thổi bay nhưng bay đi đâu được, nếu bay thì phải còn những tấm tôn nằm lại đây chứ. Cả xà gồ, song sắt, cửa sổ, cửa chính cũng bị tháo hết”, A Nhông khẳng định.
Cũng theo A Nhông, gia đình hàng xóm là A Viêng bỏ thêm cả trăm triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố, tuy nhiên do không có người trông coi cũng bị trộm tháo hết tôn trần, cửa chính, cửa sổ.
Chính quyền chưa tính toán kỹ
A Nhông cho biết, đất tái định cư đẹp, vị trí bằng phẳng, lại gần chợ, gần quốc lộ 14 và trung tâm hành chính xã, thuận tiện nhiều thứ. Tuy nhiên, để sống được ở đây thì phải có đất canh tác, hoặc có công ăn việc làm ngoài huyện, nếu không thì người dân rất khó 'bám trụ'.
“Một số hộ có con em đi học ra ở ngoài này rất tiện, số còn lại thì phải bám vào nương rẫy để sống. Ở đây không có ruộng nương canh tác nên người dân phải quay về chốn cũ mưu sinh. Nương rẫy cách đây khoảng 12km, đi lại xa xôi, vất vả nên người dân ở lại trong đó luôn, không muốn quay về nữa.
Bản thân tôi có nghề lái xe thuê, mỗi tháng kiếm được ít tiền để nuôi vợ con nên mới cầm cự ở đây. Muốn bà con về lại thì phải tạo cho họ sinh kế”, A Nhông tâm sự.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho biết, sau trận lũ lịch sử 2009, có 64 hộ đăng ký di dời về khu tái định cư. Khi dự án hoàn thành, tất cả bà con đã về nhận nhà ở, tuy nhiên được hơn 1 năm, họ rải rác rời đi.
“Nguyên nhân trước hết là do tinh thần cộng đồng của bà con rất cao, do khu dân cư ở Đăk Đoát được hình thành từ bao đời. Khi 1 gia đình có công việc thì cả làng tập trung hỗ trợ nên rất khó chia tách.
Thứ 2 là việc đi lại vào nơi sản xuất. Trước đây chỉ tính từ tái định cư vào thôn Đăk Đoát là khoảng 7 km. Còn từ thôn đến nơi sản xuất khoảng 4 - 5 km nữa thì chưa tính đến. Đường xa, đi lại khó khăn nên bà con ngại mà bỏ dần”, ông Nghĩa thành thật.
Cũng theo ông Nghĩa, thời gian gần đây có chuyển biến tích cực hơn. Qua quá trình vận động, hộ A Nhông đã về ở được gần 1 năm nay. Gần đây huyện quan tâm sửa chữa lại con đường và hệ thống nước sinh hoạt, bà con hứa sẽ về dần. Hướng từ giờ đến cuối năm sẽ có 4 hộ dân về ở.
Phó chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho rằng, về phát triển kinh tế, sẽ phối hợp các tổ chức hội, vận động người dân trở thành thành viên của tổ chức hội, tham gia vào các dự án, thành lập các tổ liên kết làm ăn như xây dựng, bốc vác… Về tinh thần, địa phương sẽ bố trí hỗ trợ một mục sư về đây tổ chức sinh hoạt cho bà con tại gia đình, để giải quyết nhu cầu về tôn giáo.
Ông Nghĩa cũng khẳng định có yếu tố trộm cắp, phá hoại công trình tái định cư. Vì nhà không có người ở, cửa không khoá nên trẻ con tháo trộm bán sắt vụn không quản lý được.