Xăng dầu là một trong những "ẩn số" cần quan tâm trong nửa cuối năm 2018. Ảnh: Hồng Vân. Tăng giá chủ yếu từ thị trường TheẨnsốlạmpháty so vigoo thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,43%; chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,37%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,83%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,74%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 3,16%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 0,71%; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,08%. Đáng chú ý, tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do tỷ giá thương mại của 4 nhóm mặt hàng là rau quả, hóa chất, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ giảm. Điều này cho thấy giá XK hàng hóa của Việt Nam đang có xu hướng giảm tương đối so với giá NK. PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: Mặt bằng giá biến động 6 tháng đầu năm tương đối sát với kịch bản đã dự báo. Các nhân tố gây tăng giá trong các tháng đầu năm chủ yếu từ biến động tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường, không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ. Đưa ra nguyên nhân, ông Long cho biết do nhiều yếu tố. Trước tiên là các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí. Sau đó là giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng khá mạnh làm giá xăng dầu bình quân 6 tháng tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, giá các mặt hàng lương thực cũng tăng 4,29% do giá gạo tăng cao trong dịp tết Nguyên đán và tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước. Một số yếu tố như việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 làm giá bình quân một số dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ thuê người giúp việc tăng từ 2%-8% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả những yếu tố này đều tác động không nhỏ tới CPI chung. Kiểm soát các mặt hàng bình ổn giá Việc CPI bình quân chạm ngưỡng 3,29% để lại dư địa quá ít ỏi cho 6 tháng cuối năm khiến xuất hiện lo ngại khả năng đảm bảo được lạm phát dưới 4% là bất khả thi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ sự lạc quan. TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, trong những tháng cuối năm, có khả năng lạm phát trung bình cả năm 2018 sẽ kiểm soát được ở mức dưới 4%. Lạm phát nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 7/2018 và sau đó sẽ giảm xuống mức dưới 4%, thậm chí có thể dưới 3% trong những tháng cuối năm 2018. Nguyên nhân chính khiến lạm phát của cùng kỳ năm trước giảm là do Chính phủ điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế trong giai đoạn cuối năm 2017. Do đó, lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 sẽ giảm mạnh nếu giá dịch vụ y tế vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, vẫn còn hai “ẩn số” đối với lạm phát cần tính tới là giá xăng dầu và thịt lợn. Biến động của hai “ẩn số” này có thể tạo ra sức ép lên lạm phát song vẫn có thể kiểm soát. Ông Độ đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu giá dầu và thịt lợn không tăng, chỉ neo ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của lạm phát cơ bản trong 6 tháng qua, thì lạm phát sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm 2018 sẽ ở mức 3,4-3,5%. Thứ hai, ít khả năng xảy ra hơn là giá dầu và thịt lợn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng, tương đương với mức tăng trong 6 tháng đầu năm, lạm phát trung bình cả năm 2018 dự kiến sẽ tăng lên mức 3,8-3,9%. “Như vậy, có thể thấy, dù ở kịch bản lạm phát tăng cao nhất, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% ở vẫn có thể đạt được nếu thực hiện đúng các giải pháp để ổn định thị trường và neo giá đối với xăng dầu và thịt lợn”- ông Độ phân tích. Đưa ra giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Với vai trò quản lý nhà nước chung về giá và là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này sẽ tiếp tục làm tốt vai trò điều phối, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc điều hành giá, chú trọng công tác dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá để tham mưu việc điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn... Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công… Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, theo ông Tuấn, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân. Trong việc điều hành giá xăng dầu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm. Cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. |