Xin ông cho biết những nội dung cơ bản, khái quát của Chiến lược nợ công đến năm 2030? Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030. Chiến lược nợ công đến năm 2030 cụ thể hóa Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công hướng tới nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trong đó, Chiến lược quy định về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn nợ công từ nay đến năm 2030, đảm bảo các mục tiêu: huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế trong khuôn khổ cân bằng giữa quản lý về ngân sách nhà nước, huy động vốn cho đầu tư phát triển theo cơ cấu chung của Chính phủ và đảm bảo kiểm soát nợ công an toàn, bền vững. Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị quy định việc tập trung huy động các nguồn vốn từ trong nước làm cơ bản, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng và kết hợp hai nguồn vốn này. Bên cạnh đó, phải kiểm soát chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này, tăng cường tính công khai minh bạch nguồn vốn nợ công, kiểm soát nợ công trong ngưỡng cho phép trên cơ sở kiểm soát bội chi ngân sách cũng như cơ cấu chi ngân sách trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030. Những mục tiêu cơ bản về nợ công đặt ra tới năm 2030 là gì, thưa ông? Tại Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030, mục tiêu đưa ra là tới năm 2030, Việt Nam kiểm soát nợ công ở mức không quá 60% GDP (giai đoạn 2016-2020 là 65%), nợ Chính phủ không quá 50% GDP (giai đoạn 2016-2020 là không quá 55%). Trong giai đoạn 2021-2025 với trần nợ công là 60% GDP thì ngưỡng đặt ra là 55% GDP, nợ chính phủ quá 50% GDP thì có ngưỡng là 45% GDP. Điều này có nghĩa là khi nợ công đạt ở mức 55% và nợ chính phủ ở mức 45% thì chúng ta sẽ bắt đầu có những biện pháp kiểm soát nợ công trong phạm vi cho phép, cắt giảm những nhiệm vụ chi tiêu, kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, đưa ra các biện pháp hạn chế tăng chi ngân sách. Trong phân bổ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với nguồn nợ công có điểm mới nào, thưa ông? Trong giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách được kiểm soát ở mức bình quân khoảng 3,9% GDP; giai đoạn 2021 - 2025, bội chi ngân sách nhà nước sẽ được kiểm soát ở mức 3,7% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương là 3,4% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,3% GDP. Điều đó có nghĩa rằng, các bộ, ngành, địa phương được phép sử dụng nguồn vốn nợ công. Tuy nhiên, huy động vốn nợ công để phục vụ cho các mục tiêu đầu tư của ngân sách thì sẽ được phân bổ theo cơ cấu của ngân sách. Trong phạm vi địa phương thì tất cả các địa phương được sử dụng 0,3%. Như vậy, việc huy động vốn trong nước cũng như nguồn vốn nước ngoài để cho các dự án đầu tư địa phương thì phải căn cứ các mục tiêu trên. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, cùng với đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu nợ công sẽ như thế nào, thưa ông? Trong các giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, đặc biệt là giai đoạn 2021-2025, bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước sẽ có tác động rất lớn tới việc huy động vốn. Thứ nhất, trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam sẽ không còn được vay nguồn vốn ODA của WB, vay vốn IDF của Ngân hàng Phát triển châu Á và đang phải tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong tương lai không xa thì Việt Nam sẽ không còn nguồn vốn vay ưu đãi nữa mà phải tiếp cận thị trường, đó là nguồn vốn nước ngoài. Thứ hai, Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ là phát triển thị trường vốn trong nước và coi nguồn vốn này là cơ bản. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phát triển thị trường vốn trong nước lên, đảm bảo có được nguồn vốn dồi dào, kiểm soát tốt thị trường vốn trong nước, giảm chi phí vay. Thứ ba, đối với việc sử dụng vốn, khi Việt Nam không còn vay vốn ODA mà chuyển sang vay thương mại thì sẽ phải chịu rủi ro về đồng tiền, lãi suất, các điều kiện vay khác. Lúc đó cần phải có các biện pháp để quản lý, xử lý những rủi ro đó. Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trên, đâu là giải pháp đã, đang và sẽ được cơ quan quản lý áp dụng? Để quản lý nợ công, hiện nay, chúng tôi đang sử dụng hai mô hình quản lý nợ công là mô hình Chiến lược nợ trung hạn (MTDF) về các kế hoạch quản lý nợ của WB; mô hình Quản lý nợ bền vững (DSA). Đây là một trong những mô hình quản lý nợ chủ đạo có liên hệ mật thiết với nhiệm vụ phân tích, dự báo và thực hiện các nghiệp vụ quản lý rủi ro danh mục nợ để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Thông qua việc sử dụng hai mô hình quản lý này, chúng tôi đã xây dựng, nghiên cứu, phân tích các kịch bản quản lý nợ công đến năm 2030 để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất với điều kiện hiện nay, cũng như phù hợp với yêu cầu quản lý nợ công. Bên cạnh đó, các giải pháp để triển khai chiến lược nợ công đến năm 2030 được đưa ra có tính khả thi cao, đều có độ “đệm” trong phương án xử lý. Thực tế cho thấy, sau giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã cải cách mạnh mẽ về quản lý nợ công, kiểm soát được nợ công, dư địa nợ công của Việt Nam tương đối rộng, qua đó chúng ta có được sự co giãn trong thực hiện chính sách quản lý nợ công. Nhờ đó, nợ công ở Việt Nam đến nay khoảng 43,7% GDP trong khi trần nợ công cho phép là 60%. Nếu cộng thêm việc thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ thì nợ công cũng mới lên khoảng 45% GDP. Với đường hướng chỉ đạo rõ ràng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07 cũng như của Chính phủ tại Chiến lược nợ công đến năm 2030, đồng thời cùng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, chúng tôi tin tưởng sẽ kiểm soát được tình hình nợ công đến năm 2030. Trân trọng cảm ơn ông! |