Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được, lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, Thường trực Tỉnh ủy biểu dương UBND tỉnh và các ngành, các cấp đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Nổi bật là kết quả đạt được của hai chỉ số PCI, PAR INDEX trong năm 2022. Với kết quả này, cần tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nhất quán quan điểm “xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Việc đầu tiên cần khắc phục là một số cán bộ, công chức có biểu hiện lệch chuẩn về động cơ, dẫn đến thái độ và hành vi “chọn việc nhẹ”, dễ dàng. Thứ hai là có thái độ thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân, (tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục còn phiền hà, sách nhiễu, chậm trễ, cá biệt còn có tình trạng “làm luật”), để người dân phải đi lại nhiều lần.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út yêu cầu giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế trong các chỉ số PCI, PGI, PAPI, PAR INDEX, cần phải được khắc phục, phấn đấu cải thiện điểm số, duy trì trong TOP đầu cả nước, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh ổn định và bền vững. Thời gian tới, cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn, triển khai những giải pháp thiết thực hơn, hữu hiệu hơn với quyết tâm cao hơn, giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn.
Ông đề nghị, đối với các chỉ số PCI, PGI, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI); Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện.
Đại biểu dự hội nghị
Các sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ kế hoạch của tỉnh, xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của cơ quan, đơn vị mình; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó, tập trung vào các nội dung đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm, phát huy tính năng động, tiên phong sáng tạo, thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, PAR INDEX năm 2023; thường xuyên kiểm tra công tác cải cách hành chính, thái độ phục vụ và đạo đức công vụ, văn hóa công sở nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng vặt”, tiêu cực, nhũng nhiễu; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính nói chung và mục tiêu, ý nghĩa của các chỉ số nêu trên đến nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo báo cáo tại hội nghị, PCI năm 2022, Long An đạt 68,45 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2021, xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tăng 1 bậc.
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Long An có 5 nhóm chỉ số thành phần tăng điểm, còn 5 chỉ số thành phần giảm điểm (gồm gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý).
Và đặc biệt năm nay, một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của 63 tỉnh, thành phố qua góc nhìn của doanh nghiệp về mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, theo đó, Long An đạt 15,04 điểm/40 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL.
PAR INDEX năm 2022, Long An đạt 87,41%, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 15 bậc so với năm 2021), xếp thứ 1/13 các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
PAPI năm 2022, Long An đạt 39,8/80 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 21 bậc so với năm 2021.
Qua báo cáo, phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ đánh giá về các chỉ số thành phần PCI, PAR INDEX, PAPI cho thấy, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải thiện các chỉ số nhưng chưa đạt được hiệu quả cao so với yêu cầu, vẫn còn rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ.
Các tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân như từ các chính sách về đất đai, thủ tục hành chính. Trong đó, nhiều cán bộ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hỗ trợ, còn tìm cách trả hồ sơ thay vì giải quyết thủ tục hành chính. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, người dân./.
Mai Hương - Thái Bạch