(CMO) Lần đầu tiên những ý tưởng sáng tạo của chị em phụ nữ về lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... đã được vinh danh tại hội thi tuyển chọn ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Cà Mau. Đây không chỉ là cơ hội hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được vinh danh tại Hội thi “Tuyển chọn ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ Cà Mau” với Dư Chúc Hạ (Khóm II, thị trấn U Minh, huyện U Minh) sẽ mở ra cơ hội để duy trì và phát triển nghề truyền thống.
Chúc Hạ chia sẻ, nghề đan đát từ tre, trúc ở xã Nguyễn Phích đã hình thành cách đây hơn 50 năm. Hiện nay còn khoảng 70 hộ duy trì, sản xuất thúng, rổ, giần, sàng, nia… với thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng/hộ. Thế nhưng, gần đây, các mặt hàng nhựa phát triển mạnh cộng với việc vùng nguyên liệu bị thu hẹp do người dân đưa nước mặn vào nuôi tôm nên sản phẩm từ tre, trúc cũng dần bị mất dần vị thế.
Những sản phẩm đan đát, mứt quê được trưng bày tại Hội thi “Tuyển chọn ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ Cà Mau” thu hút sự quan tâm của Hội đồng giám khảo và người tham gia. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của các cấp Hội LHPN đã tác động mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân trong việc sử dụng sản phẩm đan đát thay cho đồ nhựa. Đặc biệt, thành viên các ban chấp hành Hội LHPN các cấp trong huyện U Minh đều sử dụng các sản phẩm từ tre, trúc thay cho những vật dụng bằng nhựa trong gian bếp của gia đình.
Hiện nay, Hội LHPN huyện còn làm đầu mối để cung cấp các sản phẩm đan đát cho người tiêu dùng khi có nhu cầu, đồng thời phối hợp với Trung tâm Viettel U Minh tạo trang web để quảng bá sản phẩm đến người dân trong và ngoài nước.
Mô hình “Phát triển làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cây tre, cây trúc thay thế sản phẩm, vật dụng nhựa sinh hoạt trong gia đình, bảo vệ môi trường” nhận được sự ủng hộ của Hội đồng giám khảo. “Mô hình này sẽ góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống lên bước cao hơn. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và hơn hết là tạo việc làm, hạn chế lao động nữ phải đi làm ăn xa”, Chúc Hạ chia sẻ.
Mô hình “Sáng tạo từ mứt quê” của chị Huỳnh Hồng Chẩm (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính thiết thực, hiệu quả khi chung tay cùng với địa phương tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi. Chị Huỳnh Hồng Chẩm chia sẻ, với nguồn nguyên liệu phong phú, giá thành rẻ nên khi Tổ hợp tác “Sáng tạo từ mứt quê” ra đời đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân địa phương. Chị em hội viên không phải đi lao động xa nhà mà có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình vừa có thêm thu nhập.
Những sản phẩm của chị em được làm từ cây nhà, lá vườn như me, cau, dừa... đã cung ứng cho thị trường quanh năm. Đặc biệt, dịp lễ, tết những món mứt quê của tổ hợp tác xuất hiện khá nhiều trên khay mứt của bà con từ thành thị đến nông thôn. Mặc dù trên thị trường có nhiều sản phẩm mứt của doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng với quy trình chế biến riêng, những sản phẩm mứt của tổ hợp tác vẫn nhận được sự ủng hộ của khách hàng. “Khi ý tưởng nhận được sự hỗ trợ từ tinh thần đến cơ sở vật chất chúng tôi sẽ có điều kiện đầu tư máy móc, mua thêm nguyên liệu và mở rộng sản xuất”, chị Chẩm cho biết.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Trương Thị Kiều Yến, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021. Để giúp phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội LHPN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế. Đồng thời, khảo sát nắm nhu cầu và khả năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của chị em. Trên cơ sở đó, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn giúp chị em tự tin xây dựng dự án, phương án, thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình./.
Thanh Phương