Thế giới vẫn chưa hành động đủ mạnh để chống biến đổi khí hậu | |
Kỳ vọng về “cú hích" mới cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu | |
Chống biến đổi khí hậu - Cuộc chiến không dễ dàng | |
LHQ kêu gọi hỗ trợ Việt Nam 48,5 triệu USD chống biến đổi khí hậu |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters). |
Sau quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ bắt đầu tiến trình chính thức rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này. Việc Mỹ “quay lưng” với thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu được giới chuyên gia dự báo sẽ tạo ra một viễn cảnh tồi tệ.
Mỹ “quay lưng” với thỏa thuận mang tính lịch sử
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được đại diện 195 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, ký kết tháng 4/2016 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Trước đó, các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) đạt được hiệp định này tại Hội nghị lần thứ 21 ở Paris, Pháp tháng 12/2015.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu qui định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Theo đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí phát thải nhà kính gây ô nhiễm vào năm 2025 và dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã cam kết cắt giảm khí phát thải này.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2016.
Tuy nhiên, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Trump đã ngay lập tức thực hiện lời hứa tranh cử. Vào ngày 1/6/2017, ông đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ, song sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước Mỹ, cho doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ nói chung.
Trong tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu từ thời người tiền nhiệm Obama vì cho rằng các quy định này cản trở ngành công nghiệp khai thác than đá và dầu mỏ.
Tiếp đó, ngày 23/10/2019, Tổng thống Mỹ Trump đã tái khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại một hội nghị năng lượng tại Pittsburgh, Tổng thống Trump cho rằng: "Hiệp định Paris sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chính là không gây tổn hại cho người dân Mỹ và không giúp những quốc gia gây ô nhiễm làm giàu.
Ngày 4/11, Chính quyền của Tổng thống Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lên Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra.”
Mỹ sẽ chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống.
Hệ quả nghiêm trọng
Biểu tình chống biến đổi khí hậu bên ngoài Nhà Trắng. (Nguồn: AP). |
Mỹ là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, do vậy giới chuyên gia nhận định việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, mà còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Sự rút lui của Mỹ có thể được xem như một "bước thụt lùi" đối với chính Washington, bởi cựu Tổng thống Mỹ Obama từng mô tả Hiệp định Paris, được gần 200 nước ký kết năm 2016, là “một bước ngoặt lớn cho hành tinh của chúng ta” và Mỹ cũng từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế đều đánh giá quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Paris là sai lầm, thậm chí là "thảm họa" đối với nước Mỹ.
Các nhà khoa học khẳng định rằng thất bại trong việc ngăn chặn và giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc về môi trường với Mỹ.
Thực tế cho thấy, người dân Mỹ đang chứng kiến nhiều thay đổi khi các cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh hơn, các trận lụt lớn xảy ra thường xuyên hơn, các tảng băng ở Bắc Cực đang tan chảy nhanh, mực nước biển dâng.
Nếu không có những nỗ lực lớn nhằm giảm phát thải khí, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới năng lượng sạch trong tương lai, cộng đồng dân cư Mỹ sẽ phải hứng chịu tác động lớn.
Giáo sư chính sách công tại Đại học California ở Berkeley, Solomon Hsiang cảnh báo về một kịch bản tồi tệ nhất liên quan đến những thiệt hại kinh tế trên quy mô lớn và nguy cơ gia tăng chênh lệch giàu nghèo do biến đổi khí hậu.
Các bang nghèo ở miền Nam và các bang vùng Trung Tây nước Mỹ, nơi nhiệt độ có xu hướng nóng dần lên, sẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn nhất nếu hoạt động kinh tế dịch chuyển sang khu vực miền Bắc và miền Tây nước này.
Biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiềm lực kinh tế của Mỹ trong những thập kỷ tới.
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu nhiệt độ toàn cầu nóng lên cứ 0,55 độ C thì nền kinh tế Mỹ sẽ mất đi khoảng 0,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hơn thế nữa, Washington sẽ không còn là "người dẫn đầu" mà trở thành "kẻ ngoài cuộc" trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Những người ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cảnh báo, việc rút khỏi thỏa thuận này có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác như Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.
Do đó, vị thế và sức ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế cũng theo đó dần suy yếu.
Bước đi của Mỹ cũng sẽ khiến nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100, khi Washington tiếp tục thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2, từng lên tới 5,1 triệu kiloton vào năm 2015, nhiều hơn tất cả các quốc gia thuộc EU cộng lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải toàn cầu.
Nguy cơ về biến đổi khí hậu sẽ càng trầm trọng thêm mà viễn cảnh tồi tệ nhất được các chuyên gia thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc dự báo là tình trạng ấm lên của Trái Đất và nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này khi Mỹ từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đều đồng ý rằng, nhiệt độ Trái Đất tăng cao sẽ làm nước biển dâng, các thành phố ven biển bị ngập lụt, sự tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, các cuộc khủng hoảng di cư, những đợt nắng nóng chết người, mùa màng thất bát và các cơn bão lớn...
Sự rút lui của Mỹ khỏi nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu chắc chắn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều phối khí hậu quốc tế.
Việc Mỹ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu một lần nữa thể hiện quan điểm chính sách của Tổng thống Trump là coi “Nước Mỹ trên hết.”
Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể đảm bảo cho tương lai vốn đang bấp bênh của Hiệp định Paris.