Những cánh đồng lúa bạt ngàn đan xen với bờ hoa khoe sắc,ểnhướnglmnngnghiệlịch đá la liga hay những vườn cây trĩu trái mà du khách có thể hái, thưởng thức tại chỗ vẫn đảm bảo an toàn đã không còn là chuyện lạ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Người dân vùng đất này đang chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh và để cuộc sống tốt hơn... Con đường hoa bên cánh đồng lúa ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: H.THU Kết quả đáng ghi nhận Tháng 12-2023, hàng trăm xã viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã xuống giống xong 200ha lúa Đông xuân 2023-2024. Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc HTX khoe: “Toàn bộ diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, với giống Đài Thơm 8 có các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bao tiêu cao hơn thị trường 300 đồng/kg. Dự kiến năng suất vụ này hơn 8 tấn/ha và nếu giá lúa duy trì ở mức cao như hiện nay thì nông dân trúng đậm”. Lãnh đạo thành phố Cần Thơ khảo sát mô hình sản xuất nhãn sạch của Hợp tác xã nhãn thanh Hữu Tâm, tại xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: H.TÂN Chỉ cánh đồng lúa chạy ngút ngàn của HTX, ông Dũng bật mí thêm, ngày trước mỗi khi tới vụ sản xuất là chai lọ thuốc trừ sâu lềnh khênh ở bờ ruộng, dưới kênh, do bà con dùng để diệt cỏ dại, ốc bươu vàng… Từ khi chuyển đổi sản xuất từ manh mún, sang làm tập trung quy mô lớn dưới sự “điều phối” của HTX thì mọi việc thay đổi tích cực. Theo đó, khi đến mùa vụ thì sản xuất đồng loạt, cùng một loại giống, có cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn canh tác theo hướng VietGAP, giảm sử dụng phân thuốc hóa học; ghi chép sổ sách và xây dựng nơi chứa đựng chai lọ thuốc trừ sâu; đồng thời, còn có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đảm bảo bà con có lãi. HTX còn được Nhà nước đầu tư đê bao, hỗ trợ 2 máy bay phun thuốc không người lái. Đặc biệt là Tổ chức Phát triển Đức (GIZ) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ về sản xuất sạch, thân thiện môi trường; đưa các xã viên đi thực tế các mô hình hay, hiệu quả để học hỏi. Nhờ đó, mấy năm qua đồng lúa của HTX đã “xanh, sạch”, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Tùng, ở xã Vị Bình, bộc bạch: “Gia đình tôi có 3,5ha lúa, trong năm 2023 đạt lợi nhuận bình quân 40-45 triệu đồng/ha/vụ, nhờ canh tác sạch, lúa được giá và có doanh nghiệp bao tiêu…”. Tại An Giang, nơi nhiều nông dân nhận ra hiệu quả mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”, giảm sử dụng vật tư nông nghiệp, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Theo đó, trên bờ ruộng thì bà con trồng hoa hướng dương, trâm ổi, sao nhái… vừa góp phần xua đuổi côn trùng, vừa làm đẹp cảnh quan; đồng thời hạn chế thấp nhất dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh hoặc không sử dụng, mà thay bằng cách biện pháp khác. Thế là, tiết giảm 2-3 triệu đồng/ha/vụ về lượng thuốc trừ sâu và tăng được lợi nhuận khoảng 10%… Không riêng gì cây lúa, mà trên rau màu và cây ăn trái ở ĐBSCL cũng được nông dân sản xuất xanh, an toàn, phục vụ xuất khẩu. Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX nhãn Nhơn Nghĩa, ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, cho hay: “Từ khi HTX thành lập năm 2018 thì toàn bộ 23ha nhãn Ido được canh tác theo VietGAP hạn chế thấp nhất phân thuốc hóa học, tăng cường dùng sản phẩm hữu cơ. Các khu vườn ngày càng xanh, sạch, không chai lọ thuốc trừ sâu. Cách làm này vừa giảm chi phí, đảm bảo sản phẩm an toàn và lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/ha/vụ. Mới đây, HTX được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia…”. Tiếp tục mở rộng nông nghiệp xanh Đưa chúng tôi ra thăm khu vườn xanh của mình, Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Vườn xoài của gia đình ngày trước phun thuốc hóa học, nay làm theo hữu cơ sử dụng các chế phẩm sinh học diệt sâu bệnh; đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để theo dõi môi trường nước, độ ẩm, độ pH… giúp việc sản xuất hiệu quả hơn. Các khu vườn “xanh, sạch” ở đây đảm bảo khách du lịch vào thăm rất thích, bởi không dư lượng thuốc trừ sâu, trái cây an toàn, môi trường mát mẻ…”. Ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hưng, ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: “Sau mấy năm xây dựng vườn dừa xanh theo hướng hữu cơ cho thấy nhiều cái lợi. Đầu tiên là sức khỏe của nông dân tốt hơn, bởi giảm tiếp xúc trực tiếp với phân thuốc hóa học; khu vườn được cải tạo thoáng, sạch sẽ, tạo môi trường trong lành. Từ đó, thương lái và doanh nghiệp khi đến thu mua sản phẩm thì họ an tâm về chất lượng”. Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ nông dân quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quy trình 1 phải 5 giảm… để sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái. Thực tế cho thấy chất lượng hạt gạo ngày càng được nâng cao và thâm nhập vào các thị trường khó tính nhiều hơn; từ đó lợi nhuận mang lại cho nông dân được cải thiện tích cực. Đến nay, ở ĐBSCL có hơn 40.000ha lúa được canh tác theo mô hình này và được doanh nghiệp bao tiêu để phục vụ xuất khẩu. Tới đây tiếp tục mở rộng…”. Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm và mỗi vụ canh tác thì Cục phối hợp với các địa phương dự báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn bà con tuân thủ sử dụng phân thuốc. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; khuyến cáo nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến… Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, trong 2 năm gần đây đã tập huấn cho hàng ngàn nông dân, cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về quản lý và sử dụng an toàn trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu… Phối hợp với các đơn vị thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng; xây các thùng chứa chai lọ tránh việc vứt xuống kênh, mương gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Ngoài ra, ký kết với Hiệp hội CropLife Việt Nam về hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; duy trì môi trường xanh, sạch; qua đó xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu vào các thị trường khó tính… Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; từ đó sẽ giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, hướng đến nền kinh tế trung hòa các-bon vào năm 2050, chính là mục tiêu chiến lược của tăng trưởng xanh mà ngành nông nghiệp đang phấn đấu. Theo đó, từ nay đến năm 2030 giữ tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5-3%/năm. Giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%... Quan tâm việc tôn vinh sản phẩm “xanh” gắn với văn hóa ẩm thực Việt Nam. Phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh, các-bon thấp cho các ngành hàng chủ lực; gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản Việt chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường… Đặc biệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” vừa được Chính phủ phê duyệt, ban hành với mục tiêu hình thành được một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quá trình triển khai Đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo... Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Đề án hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn... H.TÂN - H.THU |