Nở rộ nuôi dê
Trước đây,ậpkhaacutetừtran cau vang nuôi dê chỉ mang tính nhỏ lẻ ở vài hộ nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Từ hiệu quả thực tế mang lại, nhiều người bắt đầu học hỏi và nuôi dê. Là một trong những người đầu tiên nuôi dê tại xã Thiện Hưng (Bù Đốp), năm 2000, ông Nguyễn Chí Tiến về quê Ninh Bình thấy nuôi dê khá phát triển. Qua tìm hiểu thấy dê là vật nuôi dễ tính, ít bệnh và ít tốn công nên ông đem 2 cặp về nuôi thử. Do thích nghi với khí hậu Bình Phước nên dê sinh sản rất nhanh, chỉ 2 cặp giống ban đầu, sau 3 năm nuôi gia đình ông đã có đàn dê gần 40 con. Từ đó, nhiều hộ dân học hỏi và lấy giống về nuôi đã trở thành phong trào nuôi dê tại địa phương này. Ông Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi dê được vài năm thì có một số hộ xung quanh học hỏi rồi lấy giống về nuôi thử. Sau đó, nuôi dê nở rộ thành phong trào, hiện nay số hộ nuôi dê rất nhiều”.
Gia đình ông Nguyễn Chí Tiến ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp có thu nhập ổn định nhờ duy trì đàn dê
Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp Trần Bá Hải cho biết: Ở Bù Đốp thời gian gần đây nuôi dê phát triển rộng khắp. Hiện nay, địa bàn huyện có một Chi hội nghề nghiệp trồng tiêu kết hợp nuôi dê theo hướng bền vững, 11 tổ hợp tác chăn nuôi dê.
Nuôi dê phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, các thương lái thu mua với giá tương đối cao và ổn định. Trong khi nông sản như cà phê, tiêu, điều... rớt giá, đàn dê lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Lý (xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) có 6 ha trụ tiêu sống kết hợp nuôi dê nhốt chuồng đã nhiều năm nay. Hộ ông luôn duy trì đàn từ 50-60 con, mỗi năm thu không dưới 200 triệu đồng. Ông Lý chia sẻ: “Trước đây, giá tiêu còn ở mức cao thì nuôi dê chỉ là phụ để cải thiện đời sống. Khi hồ tiêu mất giá thì dê lại trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Trong khi đó, diện tích tiêu nhiều nhưng giá thấp, tiền công, vốn đầu tư nhiều nên người trồng không có lời, thậm chí lỗ”.
Nguồn thu chủ lực thời nông sản mất giá
Tại ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương (Bình Long) có 250 hộ dân thì có đến 70% hộ nuôi dê nhốt chuồng kết hợp trồng tiêu. Hộ nuôi nhiều từ 50-60 con, ít cũng từ 10-15 con. Trong 3 năm trở lại đây, nông dân ấp Thanh Hải luôn gặp nhiều khó khăn vì giá tiêu thấp. Do đó, chăn nuôi dê đã giúp họ giải quyết được nhiều khó khăn, từ nguồn phân bón đến thu nhập để trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Tuấn Thiện, Phó giám đốc Hợp tác xã nuôi dê Thanh Phú (Bình Long) cho biết: “Từ 2 năm trước, khi giá tiêu giảm mạnh, hầu hết người nuôi dê đã bắt đầu tăng đàn. Số tiêu bị chết, tiêu kém phát triển hoặc không đủ nước tưới được người dân phá bỏ dùng để trồng cỏ nuôi dê. Dù đang trong mùa dịch nhưng giá dê vẫn giữ ổn định từ 80-100 ngàn đồng/kg. Vì vậy, nuôi dê đang là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình khi tiêu mất giá”.
Nuôi dê nhốt chuồng đầu tư ít vốn và công chăm sóc, nguồn thức ăn đa dạng, dễ kiếm như: lá nọc tiêu sống, thân cây chuối, trồng cỏ, cỏ tự nhiên... Vì thế, thời gian qua nhiều nơi đã chọn nuôi dê làm điểm tựa xóa đói, giảm nghèo và đạt hiệu quả tốt.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) thu nhập chỉ dựa vào vườn tiêu vỏn vẹn 500 trụ. Nhờ sự hỗ trợ từ Tổ hợp tác chăn nuôi dê của xã, đầu năm 2017, chị Hoa được vay 7 triệu đồng để mua dê giống. Đến nay, chuồng dê có 30 con, cho thu nhập ổn định. Nhờ vậy, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng Phạm Đình Thoại cho hay: Nuôi dê không cần đầu tư nhiều vốn, trong khi lợi nhuận cao và khá ổn định. Vì vậy, thời gian qua địa phương đã triển khai mô hình này cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức như: các hội, đoàn thể hỗ trợ vay vốn xây dựng chuồng trại; hỗ trợ dê giống; hộ nào nhiều dê cho hộ chưa có mượn con giống, sau 1 năm sẽ trả lại dê mẹ. Đến nay, Thiện Hưng đã có gần 1.000 hộ nuôi dê, số hộ thoát nghèo từ nuôi dê cũng không ngừng tăng. Từ một xã thuộc diện khó khăn nhất huyện Bù Đốp, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương chỉ còn dưới 3% trên tổng hộ dân toàn xã.