Không gian cởi mở,ắngnghethanhâmtừcơthểc1 dem nay hòa đồng ở CLB khiêu vũ Trò chuyện với chúng tôi là anh Nguyễn Thanh Tùng. Nhìn vẻ ngoài rắn rỏi và nhanh nhẹn, chẳng thể ngờ anh đã ở tuổi 45. anh kể, năm 2013, vợ chồng anh đi học, mục đích ban đầu chỉ là để giải trí, giảm căng thẳng...”. Nói là giải trí, thế nhưng anh Tùng và chị Ngọc Phương, vợ anh học rất chăm chỉ. Chị Phương thân thiện: “Anh Tùng vừa siêng học, vừa có thời gian rảnh. Chị chẳng được như anh, sáng 5 giờ là tất tả đi chợ, sơ chế đồ ăn cho quán cơm. Tranh thủ được từ 7 giờ 30 đến 9 giờ sáng là đi học, rồi lại vội vội vàng vàng về giao cơm cho khách. Buổi chiều thì lại phải bán hàng áo quần”. Không phụ công và cũng nhờ năng khiếu sẵn có, đôi vợ chồng đam mê khiêu vũ ngày càng thành thạo trong từng bước đi, điệu nhảy. Thế rồi, dần dà mọi người biết tiếng, nhu cầu học xuất hiện. Có học viên tìm đến tận nhà đòi…học. Từ quá trình khổ luyện đến khi thành lập câu lạc bộ, anh Tùng và chị Phương trải qua nhiều khóa học khác nhau. Ngoài việc học ở Huế, anh chị còn chịu khó “tầm sư học đạo” ở cả Đà Nẵng và tận dụng mọi cơ hội để được rèn luyện cùng các vũ sư có tiếng. Vừa bước chân trên con đường nghệ thuật này, đôi vợ chồng đam mê khiêu vũ đã vấp phải bao nhiêu gian nan. Anh Tùng ngậm ngùi: “Nhiều người còn định kiến về khiêu vũ. Có học viên khi đến với mình lại phải nói dối là đi tập aerobic để tránh bị người thân xét nét”. Có mặt tại câu lạc bộ khiêu vũ mới thấy được không khí nồng nhiệt nơi đây. Khi điệu nhạc vang lên, những tà váy hoa, những đôi giày lấp lóa say mê di chuyển. Thoạt nhìn một học viên nữ, chúng tôi chẳng tin người đang say đắm theo vũ điệu kia từng nhấc chân khó nhọc khi di chuyển. Tự tin và quyến rũ, học viên Lương Thị Ngọc Huyền, xấp xỉ 60 tuổi, khoe: “Được như ri là nhờ tôi đi tập khiêu vũ. Cái lợi về sức khỏe và tinh thần là không thể chối cãi”. Để giữ vững uy tín cho bản thân, cũng như cho câu lạc bộ, những lúc hướng dẫn học viên, anh Tùng và chị Phương luôn ý thức về hình ảnh và tác phong. “Trang phục của mình phải đảm bảo gọn gàng, đứng đắn. Khi hướng dẫn, nhất là với học viên nữ, mình phải giữ chuẩn mực. Vừa dịu dàng, ôn tồn để học viên hiểu, vừa kiên nhẫn, khoa học để mỗi người đều tiếp thu nhanh nhưng vẫn tránh gây hiểu lầm”, anh Tùng nói. “Khiêu vũ là môn nghệ thuật của sự kết nối. Ngoài ngôn ngữ cơ thể, sự tinh tế trong cảm thụ âm nhạc, yếu tố “đồng tâm”, hiểu nhau là nền tảng căn bản để tiếp thu loại hình nghệ thuật này” - chị Phương chia sẻ. Để các học viên thỏa sức phô diễn tài năng, cũng như thu nhặt kinh nghiệm thực tiễn, câu lạc bộ của đôi vợ chồng 7X thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa. “Chúng tôi được biểu diễn ở phòng trà, được giao lưu, học hỏi. Nhiều lúc lớp tổ chức sinh nhật, các học viên lại cùng nhau đồng diễn. Không khí cực kỳ đoàn kết, ấm cúng và đầy tình thân”- một học viên hồ hởi. Trước khi rời lớp học, anh Phú (một học viên) còn bật mí với chúng tôi là đã giảm được 4 kg chỉ trong vòng một tháng. Nhìn anh Tùng và chị Phương tận tâm bên các học trò, các học viên khác giúp nhau tập luyện, chúng tôi đã cảm nhận được, khiêu vũ góp phần mang lại niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bài, ảnh: Mai Huế |