(CMO) Gần đây, việc nhân viên ngân hàng tận dụng nguồn khách hàng có sẵn để bán chéo thêm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khá phổ biến, do chỉ tiêu tín dụng mỗi năm ngân hàng Nhà Nước giao ngày càng thu hẹp. Nguồn thu từ phí bảo hiểm đang là miếng bánh màu mỡ.
Để nhanh chóng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và bù đắp cho nguồn thu từ kênh tín dụng, các ngân hàng buộc phải tìm nguồn thu từ các kênh dịch vụ, trong đó việc bán ra các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được xem là giải pháp hiệu quả nhanh chóng. Qua tìm hiểu, tỷ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các ngân hàng rất cao, có ngân hàng được hưởng đến 60%.
Kèm theo nhiều ưu đãi
Khi đến quầy giao dịch ngân hàng để làm làm thủ tục gửi lại kỳ hạn mới cho khoản tiền tiết kiệm của mình tại một ngân hàng thương mại vừa đáo hạn, chị Ngô Cẩm P (Khóm 3, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) đã được nhân viên ngân hàng này tư vấn mua gói bảo hiểm vì thời điểm gần Tết Nguyên đán “đang có nhiều ưu đãi hấp dẫn khi mua gói bảo hiểm nhân thọ kèm theo”, như giảm 30% phí bảo hiểm năm đầu. “Ở một sản phẩm hàng năm đóng với số tiền lớn còn có cơ hội nhận voucher du lịch giá trị tuỳ theo hợp đồng, nghe rất hấp dẫn”, chị P cho biết.
Các ngân hàng đặt ra chỉ tiêu cho nhân viên về doanh số bán bảo hiểm nhân thọ giống như doanh số các gói huy động, cho vay (Ảnh minh hoạ). |
Tương tự, chị T.V.M có khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại chi nhánh ở Phường 6, TP Cà Mau cũng được nhân viên ngân hàng gọi điện thăm hỏi và giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ Manulife mà ngân hàng đang triển khai. “Nhân viên tư vấn cho biết, nếu đồng ý mua bảo hiểm này, tôi sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, như được ngân hàng tặng tiền mặt nếu có khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng này, còn nếu có khoản vay sẽ được ưu đãi lãi suất... Nếu lo lắng về gói bảo hiểm nặng, có thể mua gói rẻ nhất là 6 triệu đồng/năm vẫn nhận được những khuyến mãi tốt nhất”, chị M kể.
Không riêng khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, ngay cả người đi vay cũng được nhân viên ngân hàng nhiệt tình chào mời. Anh Dương Tấn P (Phường 8, TP Cà Mau) cho biết, khi đến một ngân hàng tìm hiểu thông tin về lãi suất vay vốn kinh doanh, anh được nhân viên ngân hàng này tư vấn, nếu mua thêm một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với mức phí khoảng 10 triệu đồng, năm đầu tiên vay vốn sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn khoảng 1%/năm so với lãi suất hiện hành. Kèm theo dịch vụ đặc biệt là khi mua bảo hiểm cùng với khoản vay hay tiền gửi sẽ được ưu đãi lãi suất, lựa chọn tài khoản gửi số đẹp, phong thuỷ và những chuyến du lịch thả ga. “Nghe các ưu đãi kèm theo hấp dẫn, nhưng tôi còn phân vân vì e ngại tôi chuẩn bị mở cơ sở kinh doanh mà còn gánh thêm khoản phí bảo hiểm nhân thọ bên cạnh lãi suất sẽ không kham nổi”, anh P kể lại.
Khách hàng sợ tăng thêm chi phí
Ở phía ngân hàng thương mại, một số ngân hàng liên tục tuyển hàng trăm nhân sự phục vụ riêng cho việc tư vấn, bán bảo hiểm sau khi bắt tay với các công ty bảo hiểm như: Prudential, Manulife, AIA, Dai-ichi Life, Bảo Việt Life, Generali... Xu hướng thắt chặt tăng trưởng tín dụng thời gian qua khiến các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, xem đó là một trong những sản phẩm chủ đạo và mang lại nguồn thu nhập không rủi ro, phí chiết khấu hấp dẫn. Do vậy, ngân hàng đã dùng nguồn này để triển khai các chương trình khuyến mãi cho khách hàng cũng như thưởng cho nhân viên. Hình thức khuyến mãi phổ biến nhất là bán theo “combo” kiểu gửi tiết kiệm, vay vốn hay mở tài khoản thanh toán kèm mua bảo hiểm nhân thọ.
Trên thực tế, bảo hiểm nhân thọ là miếng bánh màu mỡ mà các ngân hàng đều muốn cạnh tranh nhau rất quyết liệt để có và các công ty bảo hiểm cũng thế, họ tìm nhiều cách để có thể chen chân vào các ngân hàng thông qua các hợp đồng ký kết phân phối độc quyền bảo hiểm. Chẳng hạn, vừa qua Generali vừa ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Ngân hàng Phương Đông (OCB) thời hạn 15 năm. Tổng giám đốc Generali Việt Nam Tina Nguyễn cho biết: “Quan hệ hợp tác với OCB lần này là cam kết của hai bên về việc cùng nhau phát triển các giải pháp về sản phẩm phục vụ được thiết kế riêng biệt cho từng phân khúc khách hàng của OCB với phương châm hoạt động lấy khách hàng làm trọng tâm”.
Trước đó, đã có hàng loạt cuộc hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm: Sacombank ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam trong thời gian lên đến 20 năm. Ngoài ra, Dai-ichi Life Việt Nam còn ký kết với SHB với thời gian 15 năm. Manulife Việt Nam cũng đang hợp tác cùng Techcombank, SCB, TPBank, LienVietPostBank... AIA ký kết với VPBank, KienLong Bank, VietCapital Bank, ACB…
Theo Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritimebank) chi nhánh Cà Mau Võ Văn Đức: “Khoản bảo hiểm nhân thọ kèm theo là không bắt buộc và người vay có quyền từ chối mua. Tuy nhiên, do áp lực từ chỉ tiêu được giao để đảm bảo mức lương, thưởng, nhiều nhân viên không nói rõ cho khách hàng điều này mà tư vấn theo kiểu mong muốn khách hàng phải mua. Nên có quy định buộc nhân viên phải tư vấn rõ cho khách hàng”.
“Trên thực tế, doanh số bảo hiểm bán cho người vay không nhiều, phần lớn là ở phía người gửi thông qua các sản phẩm bảo hiểm đầu tư”, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) chi nhánh Cà Mau La Thiên Tứ cho biết./.
Việt Mỹ