Cuối năm 1967,ếnlượctrongCuộcTổngtiếncngvnổidậyXunMậlich thi dau ngoai hang hom nay cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ. Cách mạng Việt Nam đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi; trong khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang ở thế thua, thế bị động và gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình địch - ta, bối cảnh quốc tế và khu vực có liên quan, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 14 (tháng 1-1968) ra nghị quyết chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền nam sang thời kỳ mới: tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên khắp chiến trường miền nam, nhằm đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tạo cục diện mới có lợi cho ta. Hướng tiến công chủ yếu là nhằm vào hệ thống đô thị, nơi tập trung cơ quan đầu não, chỉ huy, hậu cứ an toàn của địch. Trong lúc lực lượng quân sự của địch còn đông (1,2 triệu quân), với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại; cơ sở thành thị mạnh; hệ thống phòng giữ, kiểm tra, kiểm soát rất gắt gao; mạng lưới an ninh, tình báo giăng khắp nơi..., thì việc tổ chức chuẩn bị cũng như phát động tổng tiến công và nổi dậy sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi ta phải có sự tính toán chặt chẽ. Mặt khác, kinh nghiệm tác chiến ở mặt trận đô thị của bộ đội ta chưa nhiều, khả năng bảo đảm hậu cần hạn chế... Do vậy, yêu cầu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư đặt ra là: vừa tích cực gấp rút chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng hành động đúng thời gian; vừa triển khai kế hoạch nghi binh rộng lớn, nhằm đánh lạc hướng sự phán đoán của địch, giữ tuyệt mật ý định chiến lược của ta cho đến khi hành động. Đáp ứng nhiệm vụ đề ra, một “chiến dịch nghi binh chiến lược” ngay lập tức được khởi thảo và triển khai, bao gồm các hoạt động chính trị, ngoại giao, quân sự kết hợp chặt chẽ với nhau. Về chính trị, tuyên truyền công khai của ta đều hướng vào chủ trương: củng cố, bảo tồn lực lượng, kháng chiến lâu dài; tố cáo hành động xâm lược và tội ác của đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam; kêu gọi tổ chức Liên hợp quốc và các nước có trách nhiệm tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương... Vào cuối tháng 12-1967, hoạt động ngoại giao bắt đầu có sự “chuyển hướng”. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố phóng thích hai tù binh để họ trở về đoàn tụ cùng gia đình nhân dịp lễ Nô-en. Đặc biệt, ngày 29-12-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẽ đi vào đàm phán” với chính phủ Mỹ, sau khi Mỹ chấm dứt việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ chỗ chỉ tuyên bố ngập ngừng “có thể đi vào đàm phán” (tháng 1-1967), ta chuyển sang khẳng định dứt khoát “sẽ đi vào đàm phán”. Về quân sự, ta chủ động mở một số chiến dịch khu vực rừng núi giáp biên giới, thuộc địa bàn Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ trong Thu Đông 1967 (như: chiến dịch tiến công Bình Long - Phước Long từ ngày 27-10 đến 5-12-1967; chiến dịch Đắk Tô 1 ở bắc Tây Nguyên từ ngày 3-11 đến 22-11-1967), giống như hoạt động của những năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Tổng Tham mưu đã tung kế hoạch tác chiến giả vào miền nam, với nội dung: kiên quyết đánh bại cuộc phản công lần thứ ba của Mỹ trong mùa khô 1967 - 1968; phấn đấu giành thắng lợi quyết định trong Đông Xuân 1968 - 1969; giữ vững phương châm đánh lâu dài cho đến khi buộc Mỹ phải chịu thua và cách mạng giành được thắng lợi cuối cùng. Toàn bộ các hoạt động nêu trên của ta nhanh chóng được các cơ quan tình báo, ngoại giao của Mỹ và chính quyền Sài Gòn nắm bắt. Chính quyền Tổng thống Mỹ L.B.Giôn-xơn, nhận định: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đang có dấu hiệu “yếm thế”. Từ đó chúng tiếp tục mở chiến dịch tuyên truyền về “những tiến triển đạt được”, hòng vực dậy niềm tin của nhân dân, thu hút sự ủng hộ của cử tri trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra trong năm 1968. Tuy nhiên, căn cứ vào thông tin về sự chi viện tăng lên đột biến ở tuyến đường Trường Sơn của đối phương, với sự mẫn cảm của một nhà quân sự, tướng U.C.Oét-mô-len - Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) cho rằng: phía Quân giải phóng đang chuẩn bị cho một cố gắng quân sự lớn ở miền nam trong năm 1968. Nhưng hướng trọng điểm là ở đâu? Thời gian cụ thể là khi nào? Phương thức hoạt động ra sao?... thì vẫn còn là một ẩn số. Cuộc chiến tranh Việt Nam đối với phía Mỹ đến thời điểm này trở nên khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Cũng trong thời gian này (tháng 12-1967), Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư Đảng Lao động Việt Nam chính thức thông qua kế hoạch tác chiến chiến lược Xuân Mậu Thân 1968. Theo đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trên khắp chiến trường miền nam, bao gồm hai đòn chính nhằm vào hai hướng chiến lược khác nhau: Đòn tiến công tập trung của bộ đội chủ lực tại vùng rừng núi, trọng điểm là Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh (bắc Quảng Trị), nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động đối phương ra vòng ngoài, vừa thực hiện nghi binh, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm và diệt” của Mỹ. Đòn tiến công tổng hợp (kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, binh vận), nhằm vào các đô thị, nơi có cơ quan đầu não, hậu cứ an toàn của địch để giành thắng lợi quyết định, buộc chính phủ Mỹ phải đàm phán chấm dứt chiến tranh. Để bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh phải nổ súng trước Tết Nguyên đán (âm lịch), thời gian từ 10 đến 15 ngày, tạo điều kiện cho đòn tiến công đồng loạt vào các đô thị trên toàn miền nam sẽ diễn ra đúng vào dịp Tết. Sau khi phát hiện sự di chuyển của nhiều đơn vị chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam hướng về khu vực Đường 9 - Khe Sanh, MACV đã đi đến một nhận định quan trọng: đối phương có thể sẽ mở một cuộc tiến công rộng lớn trên khắp miền nam Việt Nam, thậm chí có thể nhằm vào cả đô thị, nhưng mục tiêu chủ yếu sẽ là chiếm căn cứ chính của quân viễn chinh tại Khe Sanh (tây bắc Quảng Trị), sau đó chiếm giữ hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, tạo lợi thế bước vào thương lượng. Đêm ngày 20, rạng sáng 21-1-1968, các sư đoàn chủ lực Quân giải phóng, gồm các sư đoàn (304, 320, 324, 325) được tăng cường nhiều xe tăng, pháo nòng dài mới, tiến hành mở cuộc tiến công toàn diện vào hệ thống phòng thủ của địch trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, đẩy quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn rơi sâu vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phải tập trung lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay B 52) để đối phó. Khi mọi sự chú ý của phía Mỹ đổ dồn vào Khe Sanh, thì vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang giải phóng bất ngờ mở cuộc tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền nam; đánh thẳng vào các cơ quan đầu não, khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn “sững sờ, choáng váng”; làm đảo lộn các kế hoạch chiến tranh của chính quyền Tổng thống Giôn-xơn và gây ra sự phản ứng dữ dội trong công chúng Mỹ. Ý chí xâm lược của chúng bị suy sụp. Đường 9 - Khe Sanh thật sự là đòn nghi binh quyết định, “là mồi lừa lớn nhất” trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam, như các nhà quân sự phương Tây bình luận. Điều đó nói lên tài thao lược, cách dùng binh của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng; tập trung lực lượng chủ lực tiến công trực diện vào hệ thống phòng thủ mạnh, góp phần làm lạc hướng và thu hút lực lượng đối phương, để rồi sẵn sàng dùng lực lượng chủ lực tinh nhuệ khác đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch, lấy chất lượng cao để thắng số lượng đông. Có thể khẳng định, phía Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ bởi đòn tiến công rộng lớn của phía cách mạng vào hệ thống đô thị miền nam, trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sự bất ngờ đó xuất phát chủ yếu từ một kế hoạch nghi binh rộng lớn, bao gồm cả chính trị, quân sự, ngoại giao, trong đó hoạt động quân sự trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đóng vai trò là đòn nghi binh chiến lược. Ngày nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Chiến tranh dần lùi xa, nhưng những kết quả và kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi các thế hệ người Việt Nam phải không ngừng nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển sáng tạo. Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng Quản lý khoa học Viện Lịch sử quân sự Việt Nam/nhandan.org.vn |