Lạm phát tại Pháp tăng cao nhất kể từ năm 1991 |
Nếu tính theo Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) – thước đo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để đánh giá lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giá tiêu dùng tại Pháp đã tăng 6,5%.
Lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Theo dữ liệu được INSEE công bố, giá năng lượng đã tăng 33,1% và giá lương thực tăng 5,7% chỉ trong vòng 1 năm. Thậm chí, giá các sản phẩm tươi sống đã tăng 6,2%.
Tương tự, các sản phẩm chế tạo tăng 2,6% , trong khi giá dịch vụ cũng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ cuối năm 2002.
INSEE dự kiến, giá năng lượng và thực phẩm sẽ còn tiếp tục tăng mạnh do khủng hoảng tại Ukraine gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung sẽ khiến lạm phát tiếp tục tăng trong quý III năm nay trước khi ổn định vào cuối năm. Ngân hàng Trung ương Pháp dự kiến, lạm phát trung bình tại nước này năm 2022 sẽ dao động ở mức 5,5%.
Không chỉ Pháp, các nền kinh tế Eurozone đang gặp khó khăn trong bối cảnh giá cả hàng hóa, đặc biệt là năng lượng leo thang do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Tại Eurozone, lạm phát chạm kỷ lục mới 8,6% trong tháng 6/2022 – mức cao nhất kể từ khi đồng euro chính thức được lưu hành vào năm 1999. ECB cho biết sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra vào cuối tháng này và đây sẽ là đợt tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong vòng 11 năm qua.
Tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002 trong bối cảnh đợt tăng giá khí đốt mới nhất tại châu Âu đã làm gia tăng quan ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trong khu vực./.