(CMO) Lấy vải mùng ngăn mặn cho cống trị giá hàng chục tỷ đồng. Chuyện mới nghe như đùa nhưng là sự thật đang diễn ra tại cống Rạch Ráng, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời. Khi nước mặn tràn qua cửa van của cống xâm nhập sâu vào nội đồng, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công lắp đặt máy bơm hút rút nước mặn ra bên ngoài cống theo kiểu “lấy vải thưa che mắt thánh...”.
Cống Rạch Ráng nằm trong hệ thống cống phục vụ tiêu úng xổ phèn, ngăn mặn giữ ngọt cho 44.177 ha đất sản xuất nông nghiệp Tiểu vùng III ngọt hoá Bắc Cà Mau. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành chưa đầy 1 năm, cửa van của cống không kín, nước mặn tràn qua xâm nhập sâu vào nội đồng. Ngành chức năng và chính quyền sở tại phải khắc phục tạm thời bằng cách dùng vải mùng trám các khe hở ngăn nước của công trình 48 tỷ đồng, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Ông Dương Minh Trương, sống gần cống Rạch Ráng, nhớ lại, cách đây hơn 3 năm, khi có chủ trương xây dựng cống, bà con trong khu vực ai cũng đặt niền tin khi công trình xây dựng hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngập úng và xâm nhập mặn, sản xuất của người dân thuận lợi, đời sống sẽ phát triển khá hơn. Tuy nhiên, niềm vui ấy không được trọn vẹn khi đưa vào sử dụng không lâu, cửa van của cống không kín, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trên 30.000 ha lúa vụ 2 đang trong giai đoạn sinh trưởng và nhiều hoa màu của hàng ngàn hộ dân chuẩn bị đón Tết đang đứng trước nguy cơ ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Nông dân trồng rau màu ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời lo lắng vấn đề nước bị xâm mặn. |
Năm nay làm 1,5 ha lúa vụ 2, anh Đào Quốc Vĩnh, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, lo lắng: “Trước khi sạ lúa bà con trong ấp ai cũng bơm nước ra, đợi khi cây lúa được gần 1 tháng tuổi, giặm xong mới bơm nước trở vào ruộng lúa. Hiện tại nước dưới sông rạch bị nhiễm mặn, trời không mưa, không có nguồn nước tưới bổ sung, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất”.
Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết, đo độ mặn bên trong cống Rạch Ráng ngày 2/1 là 5,5%o, tại Trung tâm Y tế Trần Văn Thời 3%o, tại Khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, cách cống khoảng 4 km, đo được 1%o. Đến ngày 6/1, tại Trường Tiểu học 5 xã Trần Hợi, cách cống Rạch Ráng khoảng 8 km đo được độ mặn 1%o. Qua kết quả đo độ mặn cho thấy càng lúc nước mặn càng lấn sâu vào vùng ngọt hoá, đe doạ trực tiếp đến sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, thông tin, trước tình hình trên, ngày 6/1, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Cà Mau, Ban Quản lý dự án ngành NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại hiện trường.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do cửa van của cống không kín. Biên bản hiện trường được lập và đề nghị nhà thầu khẩn trương xử lý khắc phục ngay bằng giải pháp tạm thời, dùng vải mùng trám kín các khe hở của van cống không để nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào vùng ngọt. Đồng thời, dùng máy bơm để bơm tát nước mặn từ bên trong vùng ngọt ra ngoài.
Cửa van cống không khớp dẫn đến xâm mặn vào vùng ngọt. |
“Qua gần 7 ngày khắc phục, ngày 13/1, độ mặn tại cống Rạch Ráng đo được 2,4%o (trước đó là 5,5%o). Tại cổng chào ấp Kênh Cũ, xã Trần Hợi, cách cống Rạch Ráng 4,5 km, đo được 0,5%o. Hiện nay vẫn tiếp tục bơm tát nước cho đến khi độ mặn không còn ảnh hưởng đến sản xuất. Về lâu dài đề nghị nhà thầu thi công có trách nhiệm sửa chữa van cống kín nước tuyệt đối, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt trong mùa khô. Nếu cần thiết xin chủ trương UBND tỉnh thuê đơn vị tư vấn độc lập giám định chất lượng công trình. Sau đó đưa ra các biện pháp khắc phục, đảm bảo ngăn mặn tuyệt đối, sử dụng lâu dài”, ông Hoai cho biết.
Để giữ vững vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau, ông Sử Văn Minh kiến nghị nhà thầu sớm có giải pháp khắc phục sự cố xâm mặn. Để tránh thiệt hại cho sản xuất của người dân, trước mắt, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn thông báo rộng rãi cho Nhân dân trên địa bàn tuyệt đối không lấy nước dưới kinh đưa lên ruộng cho đến khi sự cố được khắc phục.
Nước bơm ra với quy mô lớn, hàng ngàn m3/ngày đêm, lại đang vào giai đoạn của mùa khô. Để có lượng nước ngọt bổ sung, UBND huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo ngành chức năng mở cống Giáo Bảy, xã Khánh Bình Tây Bắc để lấy nước ngọt từ địa bàn huyện U Minh qua bù đắp lại, tuy nhiên, việc này đang bị UBND huyện U Minh phản đối. Ông Nguyễn Long Hoai nhận định, việc bơm tát nước mặn kéo dài như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân./.
Cống Rạch Ráng do Công ty Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thuỷ lợi - Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam khảo sát và thiết kế. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Liên doanh Khai Long và Công ty Cổ phần Xây dựng 41. Công trình đầu tư trên 48,5 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, cống được nghiệm thu và đưa vào sử dụng ngày 19/5/2016. Ông Trịnh Minh Quốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình NN&PTNT, cho biết, nguyên nhân xâm nhập mặn vùng ngọt do cửa van chính của cống bị hư hỏng, đang sửa chữa. Trước tình hình xâm nhập mặn vào vùng ngọt qua cống Rạch Ráng, ngày 9/1/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử có Công văn hoả tốc số 163/UBND-XD, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát tìm nguyên nhân, có giải pháp khắc phục hiệu quả tình hình và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/1/2018. |
Trúc Ly