| Các chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế, tiền thuê đất … đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. |
Kết quả đó đã đem lại những tín hiệu tích cực trong việc đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ quá trình phục hồi của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
PV:Quan sát tình hình kinh tế Việt Nam, ông đánh giá thế nào về việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là trong phối hợp thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ?
TS. Nguyễn Văn Hiến:Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là rất cần thiết để tránh việc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong điều hành các chính sách về kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tham mưu cho Chính phủ về chính sách tài khóa là Bộ Tài chính, về chính sách tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước. Hai cơ quan này đã có sự trao đổi, thống nhất, nhịp nhàng với nhau về các chính sách hỗ trợ để các chính sách không bị “đá” nhau, không mâu thuẫn nhau. | TS. Nguyễn Văn Hiến |
Theo quan sát của cá nhân, tôi cho rằng, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua là tương đối tốt, linh hoạt và nhịp nhàng, đã phát huy được hiệu quả. Sự phối hợp hiệu quả này đã đem lại những tín hiệu tích cực trong việc đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ quá trình phục hồi của các doanh nghiệp (DN), góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
PV:Xin ông phân tích rõ hơn về sự phối hợp hiệu quả này?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Đơn cử như trong hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, khi có các chính sách hỗ trợ về giãn nộp thuế, tiền thuê đất, giảm một số loại phí đối với DN thì đồng thời phía Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ bơm tín dụng cho các DN, đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ vốn cho DN để duy trì và mở rộng sản xuất. Còn hiện nay, khi nhiều tỉnh thành nhất là khu vực phía Nam đang bị ảnh hưởng năng nề bởi làn sóng dịch Covid thứ 4, phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị đình trệ thì chính sách tài khóa đã thể hiện rất rõ vai trò trong hỗ trợ người lao động bị mất thu nhập do dịch bệnh, hỗ trợ DN như tạm dừng đóng một số quỹ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền mặt cho hộ kinh doanh nhỏ phải ngừng hoạt động do dịch Covid-19…. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ lại thể hiện vai trò qua việc giãn nợ, khoanh nợ, hạn chế việc chuyển nhóm nợ của các DN nợ quá hạn do khó khăn vì dịch bệnh…
Sự phối hợp hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ có thể được ví như việc một người đang ốm yếu, kiệt sức phải mang gánh nặng trên vai nên cần trợ giúp họ bằng cách vừa được cho uống “thuốc bổ” để phục hồi lại sức, tăng cường thể trạng, vừa phải giảm gánh nặng trên vai họ để họ có thể hồi phục từ từ. Tức là chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ có vai trò giống như một bên là liều thuốc bổ còn một bên là giúp giảm bớt gánh nặng, đẩy nhanh sự phục hồi.
PV: Tình hình đại dịch vẫn còn diễn biến hết sức bất định. Trong thời gian từ nay tới cuối năm, giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ cần lưu ý điều gì khi phối hợp thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo tôi, cần phải đặt ra một số kịch bản phối hợp tương ứng với diễn biến của công tác kiểm soát dịch bệnh. Vận dụng linh hoạt các chính sách này tùy theo từng kịch bản có ý nghĩa lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ. Có chính sách hỗ trợ đặc thù cho từng lĩnh vực bị ảnh hưởng Theo TS. Nguyễn Văn Hiến, về cơ bản, sự phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ thời gian qua là tốt. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu cụ thể hơn, xem xét đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, những đối tượng bị ảnh hưởng nặng theo thứ tự ưu tiên, để 2 chính sách này phối hợp với nhau nhịp nhàng, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn, vận tải, các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, giầy da… cần được quan tâm đặc biệt hơn với những chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp. | Trong kịch bản nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và chưa kiểm soát được ngay trong quý III mà kéo dài đến quý IV/2021 thì chính sách tài khóa lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ an sinh xã hội, đồng thời giúp DN duy trì sự tồn tại trong đại dịch. Trong khi đó việc bơm tín dụng cho DN tại những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội lại không có nhiều ý nghĩa mà việc giãn nợ, hạn chế việc chuyển nhóm nợ cho các doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn.
Đối với kịch bản đến giữa tháng 9/2021, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát thì đến quý IV nền kinh tế sẽ hoạt động theo trạng thái bình thường mới. Lúc này, phải kết hợp đồng bộ 2 chính sách nhịp nhàng với nhau để vừa giảm gánh nặng cho DN, đồng thời vừa bơm tín dụng, hỗ trợ lãi suất để các DN có nguồn lực duy trì và mở rộng được sản xuất (nghĩa là thực hiện chính sách mở rộng tài khóa và tiền tệ).
Hiện nay nền kinh tế đang giảm phát khi tỷ lệ lạm phát 7 tháng qua rất thấp, chỉ dưới 1%. Vì vậy trong thời gian tới, nhất là thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch, cần áp dụng chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, nếu không sẽ rất khó để hỗ trợ cho các DN, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Chính sách tiền tệ phải nới lỏng nhằm để hỗ trợ bơm thêm “máu” cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế mau phục hồi. Bởi, nhiều DN có những khoản nợ đến hạn phải trả nhưng vì dịch Covid-19 khiến DN cầm cự đã rất khó khăn lại càng không thể trả nợ, nếu bị ngân hàng chuyển nhóm nợ xấu thì đương nhiên DN sẽ không được tiếp tục vay vốn nữa, sẽ chuyển từ “chết lâm sàng” sang “chết hẳn”. Chưa chuyển nhóm nợ, giãn nợ, tiếp tục mở rộng room tín dụng cho các DN, nhất là các DN hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu và phục vụ an sinh xã hội chính là hỗ trợ kịp thời và mang lại hiệu quả tốt nhất cho DN.
Đối với chính sách tài khóa, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề hoãn thuế, giảm thuế, miễn thuế cho các DN đang thực sự khó khăn. Giảm thuế thu nhập DN là một chính sách tốt nhưng chỉ có tác dụng khi DN có thu nhập. Thực tế hiện nay, số lượng DN duy trì kinh doanh có hiệu quả trong giai đoạn giãn cách xã hội chiếm tỷ lệ nhỏ, đa số các DN đang phải cố “cầm cự”, đang lỗ nên chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động rộng lớn hơn. Giảm thuế giá trị gia tăng vừa góp phần giảm gánh nặng cho DN vừa góp phần kích cầu vì đây là thuế gián thu sẽ có tác động đến mặt bằng giá cả thị trường. Hiện tại, những hỗ trợ giảm thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng cho DN như đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất đúng hướng, tích cực và đáng hoan nghênh.
PV: Xin cảm ơn ông!Chính sách tài khoá, tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát Theo đánh giá của Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Một trong số các kết quả là việc phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá cả và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua thường xuyên trao đổi thông tin trong việc theo dõi và đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, biến động thị trường (chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối…), tình hình giá cả thế giới và trong nước để thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp kết hợp điều hành chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ trong quá trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Nhờ vậy, đã góp phần kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu 4%, giúp tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô cũng giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì dòng vốn FDI và đầu tư trên thị trường chứng khoán. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ) |