【nhận định hull city】Tăng vốn góp tối thiểu của công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng
Nâng mức xử phạt tổ chức lên tối đa 3 tỷ đồng
Chiều 16/4, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật liên quan đền điều kiện chào bán chứng khoán, công ty đại chúng (CTĐC), thị trường giao dịch, mô hình tổ chức và thanh tra, xử lý vi phạm…
Về chào bán chứng khoán, dự thảo luật tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Chuẩn hóa một số điều kiện như: vốn điều lệ đã góp, kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành, gắn việc chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán… Dự thảo luật nâng điều kiện CTĐC có vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên từ 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Về thanh tra, xử lý vi phạm, dự thảo luật bổ sung, quy định một số quyền của UBCKNN về yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra… Để việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, dự thảo luật quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính từ 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo luật bổ sung quy định thẩm quyền cho UBCKNN trong việc áp dụng một số biện pháp xử lý như: Đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn…
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật và đánh giá dự thảo luật về cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, tương thích với các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, luật này được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác quy định về thẩm quyền phê duyệt điều lệ và các chức danh lãnh đạo; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là CTĐC; việc chào bán chứng khoán của cổ đông hiện hữu; hoạt động niêm yết của tổ chức tín dụng; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán; trách nhiệm thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực chứng khoán... Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với quy định tại các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đánh giá dự thảo luật được sửa đổi khá toàn diện, hồ sơ dự án luật được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, công phu, nghiêm túc. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) càng phát triển thì nền kinh tế càng minh bạch. TTCK là thước đo sức khoẻ nền kinh tế quốc gia, do đó việc sửa đổi luật để thúc đẩy sự phát triển của thị trường là rất cần thiết. Bên cạnh đó, một số thành viên UBTVQH đặt câu hỏi về quyền hạn, mô hình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), về tính phù hợp của các quy định xử phạt, về quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ cho DN khởi nghiệp sáng tạo…
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng phát biểu tại phiên họp của UBTVQH. Ảnh: H.Y |
Nhất trí tăng thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập cho UBCKNN
Giải trình về các nội dung này, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, do đặc thù của lĩnh vực chứng khoán là liên quan đến tài chính, mức vi phạm khá lớn, nên ban soạn thảo đề xuất mức phạt đặc thù lên đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức. Đây là mức phạt tương đối phù hợp, có cân đối với các quy định của Bộ luật Hình sự, song ban soạn thảo cũng cho rằng chưa đủ sức răn đe nên đã bổ sung nội dung hình phạt là tịch thu khoản thu lời bất chính.
Dù đây là quy định mới và khó, song theo Chủ tịch UBCKNN, ban soạn thảo đề xuất đưa nguyên tắc này vào luật để nghiên cứu, quy định sau. Thông thường ở nhiều nước, khi xác định mức thu lời bất chính thì họ quy định phạt gấp đôi. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam, sau khi rà soát kỹ, ban soạn thảo dự kiến chỉ đưa quy định tịch thu toàn bộ mức thu lời bất chính.
Về DN khởi nghiệp sáng tạo, ông Trần Văn Dũng cho biết đặc trưng của loại hình DN này là đi tiên phong trong khoa học công nghệ nên nhiều rủi ro, khả năng thành công rất thấp. Tuy nhiên, loại hình DN này rất cần thiết cho nền kinh tế quốc gia vì thành công của DN có tầm ảnh hưởng lớn. Do tính rủi ro, nên dự thảo luật đã quy định cho loại hình DN này chỉ chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mà không bán rộng rãi ra công chúng.
Liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của UBCKNN, theo ông Trần Văn Dũng, việc đang thiếu các quyền hạn của UBCKNN trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin là một bất cập trong quản lý thị trường. Quan điểm của Chính phủ là ủng hộ UBCKNN có những thẩm quyền nhất định và đây cũng là những thẩm quyền cơ bản, được nêu rất rõ trong bộ nguyên tắc của tổ chức IOSCO (Tổ chức quốc tế các UBCK), phù hợp với chức năng của UBCKNN về thanh tra, kiểm tra thao túng, gian lận chứng khoán.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH đồng tình việc nâng vốn điều lệ của CTĐC từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng cho phù hợp với quy mô thị trường hiện nay, song yêu cầu đánh giá tác động và quy định chuyển tiếp hợp lý. Đồng tình với quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của DN khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khơi thông dòng vốn, song UBTVQH cho rằng cần cân nhắc tính tới các yếu tố bình đẳng giữa các DN. Về mô hình tổ chức, UBTVQH nhất trí việc tăng thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập về nghiệp vụ cho UBCKNN, song vẫn trực thuộc Bộ Tài chính.
Hoàng Yến