Phát biểu tại Hội thảo xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các thị trường EU và Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng ngày 7/8, tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá: Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường EU do đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới.
Đặc biệt, thời gian tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận ở mức 0-5% trong vòng 7-10 năm… Đáng chú ý, mặt hàng gạo xuất khẩu vào EU sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng.
Mặc dù vậy, ông Quân cũng nhấn mạnh, xuất khẩu vào thị trưởng EU, nông sản Việt đối mặt với hàng loạt thách thức. Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường này rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lấy ví dụ từ mặt hàng rau quả, ông Quân phân tích: Hiện nay, rau quả của Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau quả của EU. Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu ở dạng tươi, sơ chế do công nghệ sau thu hoạch còn kém, việc thu hái, bảo quản chủ yếu tiến hành thủ công.
Hiện nay, rau quả bị EU rà soát, điều chỉnh quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra; đồng thời EU đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị…
Với một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo, ông Quân cho biết: Gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU hưởng hạn ngạch quan thuế theo diện các nước thành viên WTO (tổng lượng hạn ngạch rất thấp). Trong khi đó, Hoa kỳ, Thái lan, Australia được hưởng hạn ngạch riêng.
Không chỉ vậy, Ủy ban Châu Âu (EC) còn đang xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Đây là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo ở nhiều nước như Hungary, Italia, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam.
Ông Quân thông tin thêm: Thủy hải sản xuất khẩu sang EU cũng không mấy suôn sẻ khi hải sản đang bị EU cảnh báo "thẻ vàng", tiếp tục được giám sát chặt chẽ.
Dù còn nhiều thách thức, song nhận định về thị trường EU trong thời gian tới, ông Quân cho rằng: Do kinh tế một số nước thành viên trong khối đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ tăng, một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, điều, rau quả, cà phê, cao su vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. "Các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vượt qua thách thức, tận dụng lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường EU nhiều tiềm năng", ông Quân nhấn mạnh.
Liên quan tới câu chuyện thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường EU, ông Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan cho hay: Mấu chốt là các doanh nghiệp phải hiểu rõ cơ cấu thị trường, nắm bắt các kênh phân phối, phân tích phân khúc thị trường phù hợp, hiểu rõ yêu cầu của thị trường, từ đó có sự điều chỉnh, cân đối cho phù hợp.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan: Tính hết quý II, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như: Cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… Các sản phẩm này có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Một số mặt hàng có vị trí xuất khẩu cao trên thế giới gồm: Điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất); mặt hàng cà phê (đứng thứ hai); mặt hàng gạo (đứng thứ ba). |