Ông có thể cho biết những thuận lợi đối với doanh nghiệp khi thực hiện cơ chế TCNXX? Với cơ chế này, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu sẽ có thuận lợi hơn trong việc tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), cụ thể là không phải mất thủ tục xin cấp hồ sơ chứng nhận xuất xứ (C/O) với các cơ quan cấp C/O hiện nay là Bộ Công Thương hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các doanh nghiệp nhập khẩu có thể dựa trên những tài liệu của nhà xuất khẩu cung cấp để TCNXX cho hàng nhập khẩu và xuất trình cho cơ quan Hải quan. Hình thức này được dự báo sẽ dễ xảy ra các hình thức gian lận thương mại, vậy cơ quan Hải quan sẽ phải làm gì để hạn chế tình trạng này? Sẽ có một số thách thức và khó khăn trong quá trình thực hiện cơ chế này và rủi ro là DN có thể lợi dụng để đưa hàng hóa không đạt quy tắc xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi khi nhập khẩu vào Việt Nam. Trước đây cơ quan Hải quan dựa trên giấy chứng nhận xuất xứ của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, theo đó đã có cơ quan kiểm tra xem doanh nghiệp có chấp hành đúng, đủ quy định về xuất xứ. Còn với cơ chế mới này, nghĩa là người xuất khẩu hoặc một số trường hợp là người nhập khẩu được TCNXX, cơ quan Hải quan đóng vai trò là cơ quan kiểm tra xem doanh nghiệp có đủ điều kiện hay không nên phát sinh thêm nhiều vấn đề và nhân lực để kiểm tra. Để chuẩn bị cho việc này, cơ quan Hải quan sẽ phải đào tạo cán bộ trong ngành đặc biệt là cán bộ ở cửa khẩu phụ trách các vấn đề liên quan đến một số FTA để phát hiện sớm và tập trung vào những doanh nghiệp có rủi ro trong xuất xứ hàng hóa hoặc doanh nghiệp đã từng có vi phạm. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với VCCI và Bộ Công Thương để tăng cường quản lý và nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp, ngăn ngừa tình trạng một số đối tác có thể lợi dụng Việt Nam là nước trung chuyển hàng hóa, lấy xuất xứ và xuất hàng hóa đi các nước khác. Thời gian vừa qua đã có một số nhà máy đầu tư vào Việt Nam nhưng không có hoạt động sản xuất mà chỉ mang sản phẩm vào, bóc nhãn mác sau đó dán mác sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu sang nước khác. Như vậy chúng tôi sẽ phải tăng cường nắm tình hình doanh nghiệp thông qua việc kiểm tra doanh nghiệp về số lượng lao động, thiết bị dây chuyền kể cả kiểm tra doanh nghiệp có sử dụng điện nước hay không, qua đó sẽ phát hiện doanh nghiệp có sản xuất hay chỉ đưa hàng hóa vào Việt Nam rồi xin xuất xứ để xuất khẩu. Trong cơ chế TCNXX trong ASEAN, chỉ một số nhà xuất khẩu được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đủ điều kiện mới được TCNXX, tuy nhiên trong một số FTA sắp áp dụng như TPP thì không có cơ chế tương tự như ASEAN, do đó cơ quan hải quan phải tăng cường kiểm tra và đánh giá rủi ro, đưa ra đối tượng trọng điểm cần kiểm tra. Dự kiến bao giờ áp dụng cơ chế TCNXX này, thưa ông? Cơ chế TCNXX trong ASEAN đang chờ thông tư của Bộ Công Thương, trên cơ sở đó cơ quan Hải quan mới có cơ sở để thực hiện. Đối với việc TCNXX trong những FTA thì sau khi kết thúc đàm phán phải nội luật hóa các văn bản cụ thể ở trong nước. Hiện cơ quan Hải quan cũng đang xây dựng Đề án tăng cường năng lực kiểm tra xuất xứ hàng hóa để sẵn sàng cho việc này. Theo ông các doanh nghiệp cần đạt được những tiêu chí như thế nào để được TCNXX? Các tiêu chí chủ yếu liên quan đến mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, tiêu chí về quy mô sản xuất, lĩnh vực sản xuất hoặc sản phẩm xuất khẩu có độ rủi ro về gian lận thương mại thấp. Từ các tiêu chí này, Bộ Công Thương sẽ xem xét để quyết định danh sách doanh nghiệp được tự CNXX đối với hàng hóa xuất khẩu của mình. Xin cảm ơn ông! |