Cổng cưới ở miền Tây dù là bên đàng trai hay đàng gái đều được dựng lên một cách công phu, cẩn thận để thể hiện sự vui mừng, hiếu khách của chủ nhà.
Cổng cưới của người phương Nam hoành tráng, nhưng được làm nên từ những chất liệu “cây nhà lá vườn” như: lá dừa, ớt, khóm, cau…
Anh Trần Văn Ngọt (34 tuổi, ở huyện Chợ Mới) được xem là "phù thủy" tạo nên những cổng cưới rồng, phượng làm nhiều người mê. Anh Ngọt làm nghề thiết kế cổng cưới bằng trái cây và lá dừa khoảng 10 năm.
Anh cho biết, nghề làm cổng cưới ở miền Tây thịnh hành nhất là vào mùa cưới dịp cận Tết. “Những năm gần đây, cổng cưới dân gian này thịnh hành trở lại, nhưng khách hàng có yêu cầu cao hơn về tính thẩm mỹ, độc đáo”, anh nói.
Người miền Tây thời nay vẫn thích những chiếc cổng cưới làm thủ công hình rồng, phượng để hy vọng mang lại sự sum vầy, hạnh phúc cho đôi trẻ.
Anh Ngọt chia sẻ thêm, để làm nên chiếc cổng rồng, phượng phải qua nhiều giai đoạn rất kỳ công như: Tạo khung sườn, gắn kết những vật liệu phù hợp để tạo vảy rồng, đi chi tiết răng, râu. Cổng cưới được di chuyển đến nơi tổ chức hôn lễ để lắp ráp, trang trí thêm hoa, lá.
“Hiện khách chủ yếu ưa chuộng mẫu cổng cưới rồng, phượng. Chất liệu để làm cũng gần gũi như thân cây chuối, lá đủng đỉnh, lá và trái dừa nước, đậu đũa, đậu bắp, cau kiểng, tỏi, ớt, lá dừa…", anh Ngọt cho biết.
Anh Ngọt nói, phần vảy của tạo hình rồng, phượng có thể làm từ trái cau kiểng, lá khóm, lá cây lưỡi hổ, mo cau. Tép tỏi được tách vỏ tạo hình răng, ớt sử dụng trang trí phần mắt, làm râu rồng...
Để có tạo hình rồng, phượng bắt mắt, sống động, người thợ phải tâm huyết, tỉ mỉ. Mỗi công đoạn, người thợ đều phải làm rất cẩn thận.
Trung bình một tháng, anh Ngọt nhận làm khoảng 7 - 10 cổng. Thời điểm đặt hàng nhiều nhất là dịp lễ, Tết hoặc tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm.
Không chỉ nhận thiết kế ở miền Tây, anh còn nhận các đơn hàng ở tỉnh xa, với mong muốn đem lại những chiếc cổng cưới truyền thống đẹp rực rỡ trong ngày trọng đại của khách. Nhờ đó anh kiếm được bộn tiền từ nghề này.
"Hiện nay, mẫu cổng cưới rồng, phượng được ưa chuộng nhất, đây cũng là sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại. Trước đây, người dân miền Tây đã tự làm rạp cưới, cổng cưới bằng lá dừa.
Tôi nắm bắt xu hướng, tiếp thu học hỏi và sáng tạo thêm để làm mới, lạ và hoành tráng hơn với mong muốn mang lại niềm vui cho những cặp đôi trong ngày trọng đại. Tôi mong muốn lưu giữ nét đẹp xưa của cổng cưới truyền thống từ những loại cây, lá gắn bó với người dân vùng quê”, anh Ngọt nói.
Ảnh: NVCC
Vợ chồng ở Đắk Lắk có 6 con gái xinh như hoa xuất ngoại làm điều cảm động
Bố mẹ của Hằng sinh được 9 người con, trong đó có 7 con gái và 2 con trai. Hằng và 5 chị chọn xuất khẩu lao động để tự lo cho bản thân và gửi tiền về phụ bố mẹ nuôi em.