(CMO) Những năm gần đây, công tác giảm nghèo của huyện Thới Bình đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể.
Có được kết quả này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng, Thới Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình xoá đói giảm nghèo. Trong đó huyện phân công tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên đỡ đầu hộ nghèo. Mỗi đảng viên giúp đỡ ít nhất 1 hộ nghèo bằng cách tìm cơ hội việc làm phù hợp với điều kiện lao động của hộ nghèo, cận nghèo; hướng dẫn cách làm ăn, phương thức sản xuất, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất thấp; đồng thời, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên hộ nghèo, cận nghèo tự nỗ lực vươn lên.
Thời gian nhàn rỗi, chị em phụ nữ Tân Bằng tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ chẻ nan đan đát để tăng thêm thu nhập.
Song song với cách làm trên, huyện Thới Bình cũng tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, nguồn vận động từ các tổ chức kinh tế, nhà hảo tâm nhằm tạo chuyển biến về đời sống đối với hộ nghèo, cận nghèo.
Với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng được bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020, huyện Thới Bình đã triển khai thực hiện 2 chương trình lớn. Trong đó, dành hơn 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho 5 xã; Chương trình 135, huyện đầu tư 240 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã, các ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 gần 500 triệu đồng.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ năm 2019 chuyển sang, huyện đang thực hiện Dự án nuôi heo hướng nạc cho 20 hộ dân trên địa bàn xã Tân Phú với kinh phí 250 triệu đồng. Mỗi hộ được nhận 2 con heo giống, 20 bao thức ăn, được cán bộ phụ trách tiêm vắc-xin và thuốc thú y. Hiện nay, số heo giống đang phát triển tốt, trọng lượng từ 9-12 kg/con, tỷ lệ sống đạt 100%.
Bà Nguyễn Thị Vân ở ấp Kênh 5B, xã Tân Phú, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, không có đất sản xuất; nhờ vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình bà đầu tư phát triển sản xuất, trồng hoa màu, chăn nuôi heo, chồng và con bà đi làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập. Năm 2019, gia đình bà xây được căn nhà kiên cố và làm đơn xin thoát nghèo. Vừa qua, bà được Nhà nước hỗ trợ 2 con heo giống và 20 bao thức ăn từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020.
Bà Vân vui mừng cho biết: "Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mà gia đình tôi thoát cảnh nghèo khó. Tôi chỉ mong có sức khoẻ tốt để lao động sản xuất lo cho các con. 2 con heo này tôi sẽ nhân giống ra để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình". Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện Thới Bình đạt 9%, thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 chỉ còn 2,03%, tương đương 710 hộ, hộ cận nghèo 2,11%; đặc biệt huyện không còn hộ nghèo và cận nghèo trong diện gia đình chính sách.
Mặc dù công tác giảm nghèo bước đầu đạt kết quả tích cực, song chưa thật sự bền vững vì đa phần hộ nghèo, cận nghèo của huyện không đất, không tư liệu sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, trình độ một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế, nên việc tiếp thu, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay còn khá thấp, nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo còn dàn trải, thiếu tập trung, mức hỗ trợ so với giá thị trường quá thấp, nên chưa giúp bà con đủ điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế để có thể thoát nghèo.
Thực hiện Kế hoạch số 19 của UBND tỉnh Cà Mau về công tác giảm nghèo bền vững năm 2020, huyện Thới Bình phấn đấu giảm 0,5% hộ nghèo và 0,5% hộ cận nghèo, tương đương 350 hộ. Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Nguyễn Tráng Kiện cho biết: "Giảm hộ nghèo, cận nghèo là vô cùng khó khăn, bởi lẽ những hộ còn lại có nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, ngay đầu năm huyện đưa ra phương hướng rất cụ thể, giao chỉ tiêu cho từng xã và xác định giảm nghèo cho từng hộ bằng cách nào. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực về vốn các chương trình hỗ trợ người nghèo. Trong đó quan tâm các chính sách ưu đãi đối với hộ vừa thoát nghèo, như tiếp tục cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ mô hình sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững".
Xoá đói giảm nghèo luôn là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, sự chung tay của xã hội, thì hơn ai hết bản thân hộ nghèo, cận nghèo phải có ý chí, quyết tâm vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Làm được như thế, việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thới Bình trong năm 2020 và những năm tiếp theo mới thật sự thành công./.