Hoàn thiện Luật Quản lý thuế Theo Tổng cục Thuế, nền kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2030 sẽ chuyển sang chu kỳ tăng trưởng mới, nhưng dự báo vẫn xuất hiện nhiều nhân tố khó lường, tác động đến việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Cụ thế như: cạnh tranh kinh tế ngày càng phức tạp; sự phát triển của khoa học công nghệ diễn ra mạnh mẽ, tác động ngày càng sâu rộng đến đời sống kinh tế xã hội toàn thế giới, nhiều hình thái kinh tế mới đang hình thành kèm theo đó là các phương thức thanh toán, xu hướng tiêu dùng mới như kinh tế mạng, kinh tế chia sẻ... Trong bối cảnh đó, ngành Thuế xác định công tác cải cách quản lý thuế đến năm 2030 cần hướng tới việc xây dựng cơ quan Thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả trên nền tảng điện tử, là đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế và duy trì vị thế của Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực Đông Nam Á. Theo Tổng cục Thuế, công tác quản lý thuế, phí và lệ phí tiến tới thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp dựa trên ba nền tảng cơ bản: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số. Ngành Thuế xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng cơ quan Thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng điện tử, là đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế và duy trì vị thế của Việt Nam trong top những nước đứng hàng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thực hiện thống nhất, minh bạch, chuyên nghiệp dựa trên ba nền tảng cơ bản là: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh kinh tế số. Theo định hướng này, trọng tâm công tác quản lý thuế giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường và đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong tuân thủ và thi hành pháp luật thuế phù hợp với yêu cầu chính phủ điện tử, đảm bảo cơ quan Thuế có đủ năng lực quản lý thuế nội địa và thuế quốc tế trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro. Để đạt được mục tiêu đó, trong giai đoạn tới ngành Thuế sẽ nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý thuế đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhằm quản lý có hiệu quả nguồn thu mới phát sinh từ nền kinh tế số và thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện theo mức độ tuân thủ của từng nhóm người nộp thuế. Cùng với đó, bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan Thuế vào Luật Quản lý thuế và bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra của cơ quan Thuế vào Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; hoàn thiện hành lang pháp lý để được quyền áp dụng các phương pháp thu nợ khác nhau phù hợp với đặc điểm của khoản nợ thuế, quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn, nhằm tự động xoá nợ, thu hồi các khoản nợ nhỏ; nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về đại lý thuế, chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật, chuẩn hoá quy trình quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất, có tính liên kết, tích hợp, tự động hoá cao. Lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm cải cách Theo Tổng cục Thuế, cùng với tiến trình cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, ngành Thuế sẽ luôn đảm bảo tuyên truyền đầy đủ các thông tin liên quan đến thuế. Cùng với đó là cấp dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao cho NNT theo quy định của pháp luật. Các dịch vụ hỗ trợ điện tử được chú trọng phát triển nhằm tăng cường việc tuân thủ tự nguyện với chất lượng tốt và mức chi phí phù hợp theo từng nhóm người nộp thuế, đáp ứng các tiêu chuẩn theo thực tiễn quốc tế tốt; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ về thuế. Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách hồ sơ, thủ tục về đăng ký thuế, khai thuế, kế toán thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết cho người nộp thuế. Ngành Thuế cũng sẽ duy trì và mở rộng các hình thức giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế từ cấp độ 3 trở lên đối với doanh nghiệp và tổ chức. Một nhiệm vụ nữa là tập trung hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân sử dụng các hình thức giao dịch điện tử phù hợp… nhằm tạo thuận lợi hơn nữa và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế; thực hiện thống nhất chế độ thống kê thuế trong toàn ngành Thuế theo nguyên tắc tập trung, phản ánh kịp thời, chính xác thông tin thuế của người nộp thuế để phục vụ công tác quản lý thuế và công bố niên giám thống kê thuế. Đặc biệt, Tổng cục Thuế cho biết sẽ phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước. Mục tiêu của ngành Thuế đó là cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách. Phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. |