游客发表
Đối với lứa tuổi mầm non, cách giáo dục thường thấy nhất là cho trẻ “học mà chơi, chơi mà học”. Tuy nhiên, với những món đồ chơi có sẵn thường chỉ gây hứng thú trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, để tiết kiệm chi phí mua sắm cũng như thoả mãn nhu cầu tiếp cận những đồ chơi mới của trẻ, đòi hỏi giáo viên mầm non phải liên tục sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với độ tuổi và nội dung bài học.
Vốn có lợi thế về kiến thức vẽ và tạo hình khi được đào tạo tại trường, giáo viên mầm non dễ dàng sáng tạo đồ chơi, đồ dùng học tập. Nguyên vật liệu được tái chế từ những đồ dùng đã qua sử dụng, vật dụng từ nhựa, hoặc có khi là gỗ vụn, thùng giấy, ống hút, vỏ xe… Tất cả những vật vô giá trị đều trở thành hữu ích sau khi “biến hình”.
Cô Nguyễn Thị Nhỏ, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (Phường 4, TP Cà Mau), chia sẻ: “Trong chương trình học thường có những tiết tạo hình, làm đồ dùng, đồ chơi, cô trò cùng nhau làm để tạo ra những vật dụng đơn giản nhưng rất đáng yêu. Việc chọn làm cùng trẻ cũng là cách giáo dục tư duy, khuyến khích trẻ sáng tạo bước đầu. Ngoài ra, còn giúp trẻ biết yêu quý và giữ gìn đồ chơi. Ða phần trẻ rất thích, mỗi khi bày đồ chơi đều chọn đúng những sản phẩm mình đã làm”.
Cô và trò Trường Mầm non Tuổi Ngọc trong hoạt động góc với đồ chơi tự tạo. |
Với cách làm tái chế, không chỉ tạo ra được số lượng đồ dùng phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy, mà qua đó giáo viên còn dạy cho trẻ cách biết tiết kiệm, biến rác trở thành những món đồ cần thiết. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên được lồng ghép gián tiếp thông qua sáng tạo đồ dùng học tập. Ví như những ly nhựa, đũa, hộp xốp… dùng một lần sẽ vứt đi thì tại trường giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ nhờ ba mẹ rửa sạch, tận dụng lại mang vào lớp cùng cô làm đồ chơi. Hay những vỏ, hộp sữa sau khi uống vứt đi lung tung hoặc tập kết tại các bãi rác thì nay được vệ sinh sạch sẽ để cô, trò sáng tạo.
Cô Nguyễn Thuỳ Trang, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc, cho biết: “Ưu điểm của đồ chơi, đồ dùng tự tạo là sẵn có, thường xuyên được làm mới, đa dạng về số lượng và mang tính độc đáo, sáng tạo của cá nhân người làm ra chúng. Một trong những nguyên tắc khi tái chế đồ dùng, đồ chơi học tập cho trẻ tại trường mầm non là những vật dụng đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, chất liệu an toàn, thân thiện với môi trường, không gây thương tích, độc hại với trẻ. Trẻ thường có thói quen cầm, ôm hoặc cho vào miệng những vật dụng mình yêu thích, chính vì vậy trong thời gian trẻ ở trường, giáo viên hết sức cẩn trọng và dạy trẻ cách chơi an toàn, tránh xảy ra sự cố”.
Không chỉ phục vụ nhu cầu trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ, mà từ các hoạt động làm đồ dùng học tập, đồ chơi còn tạo ra nhiều sân chơi dành riêng cho các trường mầm non, mẫu giáo. Ðịnh kỳ ngành giáo dục và đào tạo phát động nhiều phong trào, hội thi tự làm đồ dùng, đồ chơi. Ðây cũng là tiêu chí xét thi đua khen thưởng giữa các điểm trường, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Riêng đối với những hội thi, ngoài tạo ra những sân chơi thi đua trong ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới về giáo dục, còn giúp giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, có điều kiện trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tham quan học tập, đặc biệt là lĩnh vực làm đồ chơi, đồ dùng để về áp dụng tuỳ theo điều kiện thực tế mỗi trường.
Ðối với các trường mầm non, mẫu giáo, sáng tạo đồ dùng, đồ chơi là một trong những hoạt động thiết yếu để chăm sóc và giáo dục trẻ. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Hương Tràm). |
Bà Nguyễn Bích Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm (Phường 5, TP Cà Mau), chia sẻ: “Tư duy của trẻ phần lớn là về hình ảnh, vì vậy đồ dùng, đồ chơi trực quan là vật dụng hết sức cần thiết. Chính vì vậy, định kỳ nhà trường tổ chức hội thi thiết kế đồ dùng dạy học với nhiều chủ đề khác nhau, qua đó nhằm khuyến khích tinh thần say mê sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cải tiến phương pháp giáo dục trẻ, đồng thời bổ sung lượng lớn thiết bị, đồ dùng học tập tại trường”.
“Vui chơi là một trong những hoạt động chủ đạo của trẻ ở các trường mầm non, cũng là phương pháp để trẻ phát triển tư duy và ngôn ngữ. Bản thân tôi không ngừng tìm tòi, sáng tạo liên tục những vật dụng, đồ dùng mới mẻ. Ý tưởng, nguồn cảm hứng thì dựa trên thực tiễn nhu cầu của tiết học, hoạt động, sự kiện lịch sử, đặc điểm tình hình và nhóm tuổi của trẻ để quyết định. Chẳng hạn như với lớp nhóm (trẻ từ 24 đến 36 tháng) thì sản phẩm cần đơn giản, mục đích sử dụng để trẻ phân biệt, nhận biết màu sắc, hình dạng…”, cô Phạm Ngọc Ðịnh, giáo viên Trường Mầm non Hương Tràm, cho biết.
Không thể phủ nhận lợi ích từ phong trào sáng tạo đồ dùng, đồ chơi học tập mang lại cho các điểm trường. Mặt khác đối với trẻ ở vùng sâu, vùng xa thì đây cũng là môi trường trải nghiệm thú vị, giúp trẻ cảm nhận mọi sự vật, hiện tượng một cách sinh động và trực quan nhất, đồng thời giáo dục cho trẻ nhiều kỹ năng cần thiết, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn./.
Ngô Nhi
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接