(CMO) “Địa phương luôn ưu tiên cấp đất cho gia đình chính sách và hộ nghèo đặc biệt khó khăn, không đất ở, thiếu đất sản xuất. Nhưng ngặt nỗi, cấp đất xong, giấy tờ mới bàn giao họ đã định sang bán. Đó là một trong những bài toán khó của huyện U Minh trong việc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn", Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba trải lòng.
Lộ làng được đầu tư, các chính sách giảm nghèo được đẩy mạnh, góp phần giảm nghèo cho người dân huyện U Minh. |
Theo đánh giá, mặc dù năm 2018 huyện U Minh có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất tỉnh với 4,29%. Nhưng nhìn chung, khó khăn về nhà ở đang là vấn đề nan giải của địa phương. Trong nhiều nguyên nhân, phải kể đến nhóm bà con di cư đến U Minh chiếm khá nhiều. Chính những tiềm năng ưu đãi về biển, rừng nơi đây đã thu hút một lượng lớn người dân đến sinh sống. Họ cứ ở dọc theo các con đê, mé biển hay ở nhờ trên phần đất của người khác để mưu sinh rồi dần dà trở thành gánh nặng của địa phương.
Khốn khó về nhà ở
Bà Nguyễn Thị Điệp là hộ nghèo, ở đậu tại Ấp 4, xã Khánh Thuận hơn 20 năm nay, gia đình 6 nhân khẩu, dù tất cả đều đi làm thuê nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Bà Điệp trần tình: “Nhờ người quen thương tình cho mượn đất ở tạm, chứ gia đình không có cục đất chọi chim, nhà cửa dột nát, mùa mưa sắp tới rồi, mong được hỗ trợ căn nhà để ở".
Còn anh Phạm Minh Khôi, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, đã 14 năm nay cầm sổ hộ nghèo trong tay nhưng gia đình chưa có cơ hội thoát nghèo. Anh Khôi mong mỏi: “Mẹ tôi nay đã ngoài 70 tuổi, vợ chồng tôi đều bị khuyết tật, cuộc sống vô cùng khốn khó. Nhà cửa tạm bợ, mong được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở cho mấy mẹ con có chỗ nương tựa”.
Đó chỉ là 2 trong vô số những hoàn cảnh khốn khó đang mong được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn huyện hiện nay. Để giải quyết vấn đề cấp bách này, huyện đã khảo sát và triển khai xây dựng 114 căn nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Ông Dư Bé Ba trần tình: “Vẫn còn 25 căn đã khảo sát nhưng chưa xây dựng được. Trước đây tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí, nhưng về sau chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/căn, huyện phải gánh 8 triệu đồng/căn. Do đó, địa phương đã tạm ứng ngân sách huyện 1,2 tỷ đồng".
Cũng theo ông Dư Bé Ba, huyện còn quỹ đất tại xã Khánh An để ưu tiên cấp cho hộ dân nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đất ở, đất sản xuất. Nhưng với nhiều hộ, giấy tờ cấp đất vừa xong là họ đã kêu sang bán. Nhìn chung, các trường hợp này chưa thiết tha với lao động, nên công tác giảm nghèo của huyện gặp không ít khó khăn.
Để giảm nghèo thật sự bền vững
Không riêng huyện U Minh, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, giai đoạn 2016-2018 tỉnh mới giải quyết tạm thời một số bức xúc của người dân trên địa bàn. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trương Linh Phượng trần tình: “Mùa mưa cận kề, để bà con phải sống cảnh vầy thiệt là khổ tâm. Do đó, địa phương cần hỗ trợ vay vốn kịp thời để người dân sửa chữa, ổn định cuộc sống. Trước mắt mỗi địa phương cần linh động, vận động thêm các mạnh thường quân để hỗ trợ người dân”.
Được biết, năm qua thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo, triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất cho các hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã thoát nghèo gần 6.500 hộ và 4.400 hộ cận nghèo. Không còn hộ nghèo chính sách, người có công. Theo đó, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,04%, tương tương khoảng 12 ngàn hộ nghèo.
Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các chính sách còn hỗ trợ cho những hộ mới thoát nghèo tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, một số chính sách dù đã ban hành, nhưng việc tiếp cận của một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động chưa đi vào chiều sâu, chưa lan toả nên còn một số hộ khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn, hỗ trợ giáo dục hay các chính sách khác theo quy định.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Ấp 15, xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Gia đình tôi mới thoát nghèo, còn nhiều khó khăn. Nghe nói có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, vay vốn, gia đình mong muốn được tiếp cận nguồn vốn và hướng dẫn thủ tục vay để cho con xuất khẩu lao động và gia đình có thêm điều kiện sản xuất thoát nghèo bền vững”.
Còn hộ ông Phạm Tấn Công, Ấp 6, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, là hộ nghèo nhiều năm nay trên địa bàn, khi hỏi về chính sách hỗ trợ nhà ở, ông Công ngơ ngác: “Gia đình chưa nghe việc hỗ trợ nhà theo chính sách. Hoàn cảnh tôi giờ rất khó khăn, nhà cửa lụp xụp, vợ chồng đều bệnh, đứa con lớn đi làm ăn xa, đứa nhỏ vẫn còn đi học. Rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở cho gia đình”.
Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh mới của toàn tỉnh vẫn còn khá cao, với 600 hộ nghèo và 31 hộ tái nghèo. Riêng đối với hộ cận nghèo phát sinh mới có gần 1.900 hộ và 41 hộ tái cận nghèo. Trong đó, phần lớn hộ cận nghèo phát sinh mới này là do từ hộ nghèo thoát nghèo lên cận nghèo.
Bà Trương Linh Phượng đề nghị: “Các địa phương cần xem xét kỹ lại từng hộ nghèo ở tiêu chí nào để xác thực, từ đó có biện pháp giảm nghèo hợp lý, hiệu quả. Ngoài ra, năm 2019 kinh phí hỗ trợ dạy nghề được trên 12 tỷ đồng, địa phương cần rà soát ngành nghề nào phù hợp với người dân trên địa bàn rồi đề xuất. Không để dân tự bơi mà cần có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương để công tác giảm nghèo thật sự đạt hiệu quả và bền vững”.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến cuối năm 2019 sẽ giảm 1,3% hộ nghèo, tương đương khoảng 3.500 hộ. Mục tiêu là vậy, nhưng để đạt được và giảm nghèo bền vững không thể một sớm một chiều mà cần sự chung tay, quyết liệt của chính quyền các cấp, nhất là sự nỗ lực, quyết tâm của chính người dân./.
Hồng Nhung