Chi tiết đề thi minh họa của 9 môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2020 | |
Khẩn trương công bố đề thi minh họa cho học sinh ôn tập | |
Dịch Covid-19: Nên thi hay không thi THPT quốc gia? |
70% ở mức nhận biết và thông hiểu
Đánh giá về đề thi tham khảo, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 phân tích, không có câu hỏi nào của đề thi minh họa rơi vào nội dung kiến thức được tinh giản thuộc chương trình học kỳ 2 của lớp 12 năm học 2019-2020.
Theo Hệ thống giáo dục Hocmai, 70% số câu hỏi ở các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội ở mức độ nhận biết và thông hiểu. |
Theo ông Hồng, nội dung kiến thức của học kỳ 2 lớp 12 trong đề thi đã giảm những câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, chỉ còn lại câu hỏi cấp độ nhận biết và thông hiểu. Những câu hỏi này tập trung khai thác vào khái niệm, kiến thức cơ bản của các bài học, những nội dung kiến thức này học sinh có thể học và dễ dàng chiếm lĩnh với hình thức học qua Internet, truyền hình.
Về độ khó của các bài thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Hệ thống giáo dục Hocmai đưa ra nhận xét, 70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Các câu ở mức độ nhận biết chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, một số ít rơi vào lớp 11
Chẳng hạn với môn Lịch sử, có khoảng 20% tổng số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Một số câu hỏi khó như câu 31, câu 34, câu 39. Đây là những câu hỏi so sánh hoặc phân tích, học sinh phải hiểu bản chất của sự kiện và có cái nhìn khái quát các sự kiện mới có thể trả lời được.
Với môn Địa lí, tỉ lệ câu hỏi thực hành cao, chiếm 40% là cơ hội lấy điểm cho học sinh. Hơn 50% số câu hỏi dưới ở mức độ nhận biết và thông hiểu thuộc phần sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam để trả lời.
Ở môn Tiếng Anh, theo nhận định của các thầy cô giáo Tổ bộ môn Tiếng Anh- Hocmai, nội dung các câu hỏi trong đề tham khảo môn Tiếng Anh thuộc chương trình lớp 11 và lớp 12, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12 (90%). Chủ đề các bài đọc nằm trong sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 11 và 12.
Không chủ quan
Với môn Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội đưa ra nhận định, về kiến thức tổng thể, đề thi môn Ngữ văn tham khảo đã đưa ra vấn đề từ cuộc sống và vấn đề văn học khá phù hợp với tâm lý và khả năng của đông đảo học sinh.
Cụ thể, ở phần đọc hiểu, trừ câu yêu cầu mức thông hiểu thì độ mở của đề đều có ở các câu hỏi còn lại, với mức độ khác nhau.
Với câu nghị luận văn học, đề tham khảo Ngữ văn năm nay nằm trong nội dung học sinh được học trong cấp THPT và đặc biệt là lớp 12. Học sinh không bất ngờ nội dung, cấu trúc lại cơ bản khá sát với đề thi năm trước.
Giáo viên này cho rằng, đề tham khảo lần này của Bộ GD&ĐT đưa ra không khó để đạt điểm 5-6. Nhưng nếu không có cách hiểu đúng và lập luận hợp lý về các chủ đề người làm bài thi cũng rất khó đạt điểm cao.
“Cái hay của đề này là tính phân hóa. Đề không khó nhưng để có điểm đỗ cao hẳn thì lại không hề dễ. Đặc biệt, nếu người viết sáng tạo biết suy luận thể hiện sự kết nối với cuộc đời, thì bài làm lại càng thành công hơn”, cô Kim Anh nói.
Với môn Toán, theo ý kiến của thầy Phạm Đức Duẩn, giáo viên trường THPT Liên Hà, Hà Nội, đề tham khảo có phần “mềm” hơn đề chính thức thi THPT quốc gia năm 2019.
Cụ thể, 35 câu hỏi đầu tiên của đề tham khảo, theo thầy Duẩn đã bao trọn kiến thức cơ bản của môn Toán THPT hiện hành. Các học sinh có ý thức trong việc học tập, ôn luyện hoàn toàn có khả năng đạt 70% điểm bài thi một cách không khó khăn.
Để phát huy hiệu quả sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo, ý kiến của một số chuyên gia cho rằng căn cứ vào đề thi tham khảo đã công bố, các thầy cô giáo dạy Ngữ văn đã có gợi ý, “định hướng” cách dạy, cách ôn mùa thi THPT quốc gia năm 2020.
Trước mắt, theo cô Kim Anh có thể tư vấn hoặc tổ chức cho học sinh thi thử đề tham khảo thi THPT quốc gia qua mạng intrernet, để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử cho học sinh. Cách làm này cũng giúp các em hình thành kinh nghiệm trong việc kiểm soát, làm chủ thời gian cho mỗi bài thi, rèn luyện khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài.
Về phía Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020 khuyến cáo, để khai thác đề thi tham khảo trong quá trình dạy học và giúp học sinh ôn luyện, các thầy cô nên phân tích kỹ đề tham khảo, khu trú lại những nội dung hết sức căn bản, tích hợp các chủ đề để định hướng việc dạy học và ôn tập cho học sinh.
“Đặc biệt, với những câu hỏi mang tính căn bản, nằm hoàn toàn trong chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, học sinh có thể phân tích từng câu, xem câu nào thuộc chủ đề nào, câu nào thuộc khối kiến thức nào, trên cơ sở đó hệ thống hóa kiến thức cần học”, ông Hồng nêu.