(CMO) Mặc dù các nhà xe tăng cường rất nhiều chuyến để đưa rước khách nhưng hầu như năm nào cũng vậy, điệp khúc kẹt xe, chờ xe và thiếu xe luôn xảy ra. Nhiều người phải về quê ăn Tết bằng xe gắn máy vượt hành trình hàng trăm cây số mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc…
Vào những ngày giáp Tết, Ban quản lý bến xe Cà Mau đã chủ động tăng cường số lượng xe dự phòng đưa đón hành khách. Bến xe đã bổ sung thêm 34 xe (28 xe giường và 6 xe ghế) của các công ty, doanh nghiệp: Hòa Hiệp (5 xe giường), Phước Thành – Thanh Tuấn (2 xe giường), Tuấn Hưng (3 xe giường), Phương Trang (3 xe giường), Hòa Thuận (3 xe giường), Giáp Diệp (5 xe ghế), Tuấn Hiệp (5 xe giường), Minh Tân Thanh Nhàn (4 xe giường), Vũ Linh (3 xe giường, 1 xe ghế).
Không tránh khỏi quá tải
Ông Trần Trung Hiếu, Phó trưởng Bến xe khách Cà Mau cho biết, cao điểm của bến xe từ 26-29 tháng Chạp và mùng 3-6 tháng Giêng. Trong những ngày này, bến phải tăng cường xe đưa đón khách, đồng thời kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở bến xe bởi có năm lượng khách ùn ứ rất đông.
Từ ngày 27-29 tháng Chạp năm nay, lượng khách ở bến xe tăng khoảng 20% so với năm trước, gấp 3-4 lần so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày các bến xe Cà Mau đón nhận khoảng 16. 000 lượt khách.
“Rạng sáng 29 tháng Chạp, Bến xe đón khách về nhiều nhất. Do ngày 28 tháng Chạp là ngày làm việc cuối cùng của năm nên cán bộ, công nhân ai nấy đều đón xe về quê”, ông Trần Trung Hiếu cho biết thêm.
Hành khách ở Bến xe khách Cà Mau chờ đến giờ để ngược về quê ăn Tết. |
Mặc dù đã được các bến xe chuẩn bị khá chu đáo với phương châm bảo đảm cho người dân đi lại được thuận lợi, an toàn, tuy nhiên vẫn có những thời điểm mà lượng khách đổ về bến tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải.
Chị Nguyễn Yến Nhi, hành khách xe Phước Hưng, chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 người làm công nhân ở Bình Dương nhưng không năm nào về quê ăn Tết đầy đủ do vé xe dịp Tết tăng cao. Giá xe từ khu công nghiệp Mỹ Phước – Bình Dương về Cà Mau năm nay là 380.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với ngày thường”.
Cũng giống như chị Nhi, anh Võ Văn Hải tâm sự: “Tôi đặt tuyến xe từ Cà Mau về Nam Định của hãng xe Ngọc Trìu với giá vé 1,8 triệu đồng. Giá vé này hơi cao nhưng mấy năm rồi, tôi chưa về thăm quê nên dẫu vé xe như thế nào cũng phải mua để về quê ăn Tết”.
Và rất nhiều… phượt thủ
Hiện số lượng người Cà Mau đi các tỉnh làm việc không phải con số nhỏ. Đa phần, họ là những người có hoàn cảnh khó khăn nên “đầu quân” vào các công ty, xí nghiệp để kiếm sống. Sau ngày làm việc cuối cùng, những người con xa quê này đều mong muốn được sum họp với gia đình và người thân. Nhưng vào những ngày này, các bến xe đều đông nghịch người nên để tiết kiệm thời gian và chi phí, nhiều người đã chọn phương tiện về quê bằng xe gắn máy.
Vợ chồng chị Lương Trúc Ly đang dừng chân ở quán nước ven đường, vui vẻ cho biết: “Tôi nhà ở tận Ngọc Hiển nên nếu đi xe khách về bến xe thì cũng phải đón xe buýt về nhà. Cho nên vợ chồng tôi chọn đi xe máy vừa tiện, vừa tiết kiệm tiền, lại có phương tiện đi lại vào dịp Tết”.
Với vẻ mặt phờ phạc vì chạy xe hàng trăm cây số, anh Nguyễn Văn Thương than: “Tính ra đi xe máy khổ thiệt. Tôi phải chở một đống đồ về quê vừa nguy hiểm vừa mệt. Nhưng do đặt vé xe không được nên phải đành chạy xe về”.
Mặc dù chọn xe máy làm phương tiện về quê vui Tết còn nhiều nhược điểm và tiềm ẩn rủi ro lớn vì vào dịp Tết lưu lượng xe đi trên đường tăng cao. Nhưng không thể phủ nhận xe máy cũng là lựa chọn “chữa cháy” nếu hành khách không đặt được vé hoặc với mục đích tiết kiệm chi phí.
Bài và ảnh: Phùng Ngọc Trầm