Phế liệu nhập khẩu không đạt chất lượng bị phát hiện tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H Mô tả hàng hóa như “Văn tả cảnh”
Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, ngoài số liệu hàng tồn tại cảng, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, phế liệu giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do các hãng tàu, doanh nghiệp khách hàng đã ký hợp đồng hoặc đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển về Việt Nam nên việc ngăn chặn và xử lý phế liệu tồn tại cảng đang cấp bách.
Tại cuộc họp, đại diện một số đơn vị cho rằng, việc thể hiện hàng hóa nhập khẩu là phế liệu trên bộ hồ sơ gửi cho hãng tàu và cảng dài lê thê, như văn tả cảnh, nên khó có thể biết được đâu là hàng phế liệu.
Đại diện Cục Hàng hải cho rằng, một số hãng tàu vận chuyển hàng hóa, nhưng trên manifest không thể hiện phế liệu nhưng thực chất hàng hóa là phế liệu, sau khi hàng hóa dỡ xuống cảng mới khai báo số lượng cụ thể, chủng loại phế liệu.
Ông Trịnh Phương Nam, Giám đốc Trung tâm điều độ-Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sau khi phế liệu tồn nhiều tại cảng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn ngưng tiếp nhận phế liệu về cảng Cát Lái, một số hãng tàu lách bằng cách gửi thông tin hàng đến thể hiện rất lằng ngoằng, dài lê thê mấy trang, nhưng trong chỉ có một chữa nhựa Plastic rất khó tìm để đưa phế liệu vào cảng. Khi phát hiện ra, hãng tàu cho "rằng chủ hàng khai báo như vậy".
Anh ông Nhữ Đình Thiện, Ban Thư ký Hiệp hội đại lý và Môi giới vận tải cho rằng, có luật quy định trục xuất hàng hóa, nhưng chưa có biện pháp chế tài, nên sau sự cố này cần có Thông tư, nghị định quy định cụ thể về các chế tài cụ thể. Mặt hàng phế liệu là mặt hàng nguy hại đặc biệt, nên việc cấp phép chỉ cấp cho những đơn vị có chức năng, nhà máy xử lý, tránh việc cấp phép nhiều như hiện nay, để DN lợi dụng để mua bán thương mại.
Về trách nhiệm của hãng tàu, ông Thiện cho rằng, hãng tàu không phải nạn nhân, vì anh xếp hàng lên tàu anh phải biết được hàng hóa anh vận chuyển là gì, chứ không thể nói là nạn nhân không biết được hàng mình vận chuyển. Cần kiên quyết trả về nơi xếp hàng đối với những hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu.
Đại diện Cục Giám sát quản lý- Tổng cục Hải quan cho rằng, Luật Hải quan quy định rõ trách nhiệm của hãng tàu. Các hãng tàu nhận thông tin hàng hóa như “Văn tả cảnh” thì phải có trách nhiệm trong việc mô tả hàng hóa của người gửi, chứ không thể nói là không biết hàng hóa gửi là gì trong container.
Hãng tàu nói gì?
Đại diện một số hãng tàu tham dự tại cuộc họp cho rằng, việc hàng hóa tồn đọng tại cảng, đặc biệt là phế liệu chủ hàng không nhận, các hãng tàu cũng thiệt hại rất nhiều do tiền thuê container chứa hàng…
Đại diện Hãng tàu CMA-CGM cho rằng, hãng thiệt hại rất nhiều khi xảy ra hàng tồn đọng tại cảng biển. Hãng tàu cũng không hề muốn nhận hàng phế liệu của DN không có giấy phép về cảng, nhưng do không có thông tin của DN được cấp phép nhập khẩu phế liệu nên không thể biết được DN nào có phép, DN nào không.
Đại hãng tàu Maersk cho rằng, hãng tàu chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, khi hàng tồn đọng, không có người nhận, hãng tàu bị giữ container không đưa vào kinh doanh được, đề nghị cơ quan chức năng đưa lên hệ thống chung để hãng tàu biết và thực hiện hợp đồng chuyển hàng hóa là phế liệu.
Ông Việt Anh, hãng tàu Cosco cho biết, trước năm 2017, việc cấp phép nhập khẩu phế liệu có phân cấp về cho địa phương, nhưng từ đầu năm 2018 việ cấp phép phế liệu chỉ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Văn bản quản lý thì chồng chéo, cấp nhiều giấy phép nhập khẩu phế liệu, khi tồn đọng thì siết lại, rất khó cho DN, cơ quan quản lý cần phải có hướng mở cho các DN đã có giấy phép, nếu không hãng tàu cũng rất khó xử lý đối với với hàng vận chuyển tồn tại cảng.
Trước thực trạng trên, các hãng tàu và DN kinh doanh cảng đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần công khai thông tin cấp phép nhập khẩu phế liệu, hạn ngạch nhập khẩu trên cổng thông tin một cửa quốc gia, hoặc trên trang web của bộ này để các DN đều có thể vào tra cứu, nắm thông tin.
Tại cuộc họp, các DN kinh doanh cảng và hãng tàu cũng đề xuất, cơ quan quản lý cần rút ngắn thời gian xử lý đối với hàng tồn đọng tại cảng, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị thấp như phế liệu…
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, vấn đề quản lý phế liệu nhập khẩu liên quan đến nhiều bộ, ngành, nếu không có sự chỉ đạo thống nhất thì tình hình vẫn kéo dài như hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải xử lý hài hòa, vì còn liên quan đến nhập khẩu phế liệu phục vụ cho các đơn vị sản xuất. Ông Trịnh Phương Nam, Giám đốc Trung tâm điều độ-Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, khi có thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã báo cáo cơ quan chức năng, nhưng xử lý chậm, đến tháng 5 khi phế liệu về cảng quá nhiều, DN không đến nhận hàng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cấm phế liệu nhựa, chỉ còn phế liệu giấy và sắt thép. Hiện nay, tại cảng Cát Lái tồn khoảng 9.000 tues (tương đương 4.500 container) phế liệu giấy và nhựa. Chiếm gần 20% sức chứa của cảng Cát Lái. Nếu tình hình không thay đổi, không chỉ ngưng tiếp nhận đến 30/9 như đã thông báo mà Tân cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục ngưng nhập phế liệu nhựa vào Cát Lái.
| |