(CMO) Hệ thống các trung tâm văn hoá - thể thao từ huyện đến xã tại Cà Mau hình thành (9 huyện, thành phố và 44 xã, phường) là một tín hiệu khởi sắc cho đời sống Nhân dân. Vậy rồi cái chớm mừng sớm nhường lại cho biết bao điều trăn trở. Dân tình đi ngang trung tâm văn hoá - thể thao mà hỏi nhau ngỡ ngàng: “Cái đó xây chi vậy? Cái đó cho ai vô? Cái đó tốn bộn tiền à”.
Ừ thì ngày xưa tỉnh mình nghèo, làm gì có tiền xây dựng những cơ ngơi “hoành tráng” như vậy. Nhưng có tiền rồi, xây xong rồi lại chẳng biết để làm gì. Đó là nghịch lý khi… có tiền, và lối đi nào để các trung tâm văn hoá - thể thao không rơi vào “quên lãng”.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Có trong tay báo cáo của ngành văn hoá về kết quả hoạt động của 44 trung tâm văn hoá - thể thao (42 xã và 2 phường), chúng tôi thấy có 2 điểm cần lưu ý: 1/ Trung tâm được chọn thí điểm; 2/ Xếp loại A, B, C, D. Theo đó, nơi nào làm thí điểm thì được ưu tiên đầu tư kinh phí, tổ chức lại đội ngũ nhân lực và hoạt động. Còn xếp loại theo thang điểm, nơi nào xếp loại D coi như trong tình trạng hết sức báo động (cả tỉnh có 10 trung tâm). Đây có thể coi là báo cáo đánh giá tương đối sát với thực tế hoạt động của các trung tâm hiện nay. Điều này đúng với cam kết của Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng: “Sẽ sắp xếp và nâng chất toàn diện hoạt động của các trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã, không để tình trạng yếu kém, lãng phí tiếp diễn”.
Trung tâm Văn hoá xã Đất Mới, huyện Năm Căn. Ảnh: THANH QUANG |
Hơn 1 năm qua, hầu như ở bất kỳ diễn đàn nào cũng nghe phàn nàn về các trung tâm văn hoá - thể thao. Thậm chí, dư luận còn dùng những từ nặng nề như “đắp chiếu”, “lãng phí tiền của dân”, “của nợ”… cho các thiết chế văn hoá mà mục đích ban đầu xây dựng để phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Rõ ràng, với kinh phí xây dựng hàng tỷ đồng mỗi trung tâm, đây là một nghịch lý cho việc… có tiền. Nó khác với việc khi Cà Mau còn là tỉnh nghèo, người dân “thèm” các món ăn tinh thần đến nỗi có gánh hát về là kéo nhau đến rạp. Phản ánh này đã tới với cấp lãnh đạo cao nhất tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, người phụ trách khối, từng nhấn mạnh: “Cần phải có giải pháp để cải thiện chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hoá - thể thao”.
Tới đây, khi cần phải có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ vấn đề bức thiết này, mọi người mới vỡ ra là có quá nhiều chuyện cần phải làm. Đầu tiên là chuyện thiết kế không phù hợp của các trung tâm văn hoá - thể thao. Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Trung tâm văn hoá tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Thiết kế vậy chỉ để hội họp nhỏ thôi”. Bởi không thể thiết kế sân khấu, cũng chẳng có không gian linh hoạt để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau. Người ta cứ xây, còn mặc cho việc sử dụng ra sao thì ra. Thêm nữa là địa điểm xây dựng, cứ có đất trống là xây, có những nơi cách rất xa các khu vực dân cư và dĩ nhiên chẳng ai lai vãng đến. Chưa kể, có nơi xây xong, cán bộ, công chức xã nhanh chóng sắp xếp vị trí, ngồi làm việc, hội họp… và dân đến chỉ dám ngó nghiêng, bởi tưởng chỗ này dành riêng cho… cán bộ.
Theo báo cáo của ngành văn hoá, có một số trung tâm đã đến mức đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền về tình trạng yếu kém kéo dài. Ông Trần Hiếu Hùng đề xuất 7 nhóm giải pháp, trong đó quan trọng nhất là nhận thức và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị với loại hình thiết chế văn hoá này. Bản chất của các trung tâm văn hoá - thể thao là “của dân, do dân và vì dân”, hoạt động phải phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Với các mô hình đã khẳng định hiệu quả như Tắc Vân (TP Cà Mau); Trí Phải (Thới Bình); Khánh Bình (Trần Văn Thời)… ngành văn hoá đã có những bước đi đầu tiên đúng hướng.
Trần Văn Thời là địa phương hiếm hoi duy trì được chương trình đờn ca tài tử hằng tuần (thứ Sáu) tại sân khấu nước ở trung tâm huyện. |
Theo ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch: “Hoạt động của trung tâm văn hoá - thể thao phải đa dạng và linh hoạt, phải thu hút được sự quan tâm và tham gia của người dân. Đi từ phong trào quần chúng, lấy đây làm cơ sở, tiền đề để phát triển toàn diện đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân tỉnh nhà”. Trong bối cảnh văn hoá, văn nghệ, thể thao chuyên nghiệp của tỉnh còn khá khiêm tốn, đây có thể coi là định hướng đúng đắn và vừa sức. Tuy nhiên, việc tạo luồng gió mới cho các trung tâm văn hoá - thể thao vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Gợi mở từ cơ sở
Anh Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Tôi nói như thế này, hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng mà mấy anh cứ gởi thư mời thì coi như… bỏ. Có nhiều nơi do cạn nguồn, cuộc thi nào cũng mấy thí sinh cũ xì, chưa giới thiệu đã biết hát bài gì”. Ở Trần Văn Thời, nhiều người có chuyên môn luôn lăn lộn cơ sở, thông qua các dịp hội họp, giao lưu, kể cả đám tiệc để phát hiện những nhân tố mới. Anh Trung nói vui: “Đi đâu mà thấy ai hát hay, nhảy đẹp, tụi tôi lôi sổ ra chấm điểm liền. Sau này có dịp là tới tận nhà để vận động tham gia các hoạt động”. Nhờ cách làm sâu sát, nhiệt huyết này mà Trần Văn Thời luôn được bổ sung, củng cố lực lượng hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng.
Các nghệ nhân tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hoá huyện Trần Văn Thời miệt mài luyện tập, đạt nhiều giải cao ở các hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng. |
Riêng đờn ca tài tử, toàn huyện có 53 câu lạc bộ với gần 600 nghệ nhân ca, đờn. Gặp anh Quốc Sỹ (Lương Quốc Sỹ, nghệ nhân mà ai cũng biết trên truyền hình), anh chia sẻ: “Phải nói là anh em ở Trần Văn Thời tâm huyết lắm. Từ chỗ chưa có gì, mày mò học hỏi, dìu dắt nhau, đến nay chúng tôi đã có phong trào đờn ca không thua bất cứ nơi nào”. Anh Quốc Sỹ chia sẻ: “Anh em ở ấp, xã đâu có hỗ trợ gì, cùng nhau đóng góp để được ca, hát vậy thôi”. Chính anh Sỹ cũng sâu sát với những người đam mê, đi khắp ấp, xã để san sẻ với mọi người và đề cao tinh thần tự lực. Anh Trung cho biết: “Một số nơi có trung tâm văn hoá - thể thao nhưng các câu lạc bộ chưa được sinh hoạt tại đây, tôi thấy tiếc lắm. Sắp tới nhất định phải phát huy được vấn đề này”.
Trò chuyện với những người trong nghề, chúng tôi mới ngẫm ra, việc vận hành một trung tâm văn hoá - thể thao không đơn giản như mọi người nghĩ. Tất nhiên là cơ sở vật chất, tất nhiên là con người, kèm theo đó chế độ đãi ngộ, thù lao… nhưng có yếu tố mà ít ai bàn đến, đó là tìm kiếm những hạt nhân để giữ lửa phong trào và làm chất kết dính các phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Một vị phó chủ tịch UBND xã phụ trách khối hay chức danh công chức văn hoá - xã hội nếu thiếu nhiệt tình thì sẽ không đảm đương tốt công việc này.
Trả lời những băn khoăn ấy, anh Quốc Sỹ nhận định: “Cái này lo gì, ở địa phương nào không có người ca hay, đàn giỏi, sống có tâm. Vấn đề là các anh lãnh đạo ở địa phương có chịu phát hiện, kết nối, vận động và phát huy người ta hay không”. Nghĩ cho thấu đáo, cái trung tâm thì chỉ là cái trung tâm, hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người. Anh em sống trong lĩnh vực thông tin lưu động như nghệ nhân Quốc Sỹ, khi làm là giàu tình cảm, đam mê hơn tiền bạc. Các anh sống trọn lòng với nghề nghiệp mình theo đuổi, là linh hồn những nơi mà các anh tham gia. Văn hoá, văn nghệ quần chúng chẳng có quy định, luật lệ nào, chỉ cần phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của quảng đại Nhân dân.
Toàn tỉnh có 101 xã, phường, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân: “Không nhất thiết nơi nào cũng phải xây dựng trung tâm văn hoá - thể thao”. Điều đó có nghĩa là, trừ 10 trung tâm (đã tạm) được xếp loại A, 34 trung tâm còn lại phải nỗ lực giải quyết bài toán nghịch lý vì…được xây dựng. Các trung tâm vẫn còn trong giai đoạn thí điểm để tìm ra phương án phù hợp, từ đó nhân rộng và vực dậy cả hệ thống vốn rời rạc, yếu kém. Nhưng dù là phương án nào, thiết nghĩ, vấn đề đầu tiên phải tính đến việc huy động trí tuệ, khả năng và tâm huyết của người dân trong việc cùng nhau gầy dựng, phát triển các hoạt động, phong trào. Có như vậy, trung tâm văn hoá - thể thao mới tồn tại với trọn vẹn ý nghĩa.
Phạm Hải Nguyên