【đội hình sc freiburg gặp union berlin】Nhiều doanh nghiệp trong khu phong toả Sông Đốc gặp khó
(CMO) Lưu thông hàng hoá khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát... là điều đáng lo ngại hiện nay tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), khi nơi đây đang trong thời điểm tàu khai thác cập bờ.
Sông Đốc là một trong những cửa biển lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảng cá Sông Đốc được Bộ NN&PTNT chỉ định đủ điều kiện, tiêu chí để bốc dỡ sản phẩm thuỷ sản, hàng hoá phục vụ cho truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.
Đây không chỉ là nơi tập trung tàu thuyền khai thác trong tỉnh, mà còn là điểm đến của nhiều tàu khai thác của tất cả các tỉnh thành trong khu vực. Đặc biệt, Sông Đốc còn là điểm đến của hàng chục ngàn lao động trong cả nước tham gia khai thác trên biển, trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở thu mua chế biến thuỷ sản, cơ sở kinh doanh dịch vụ hầu cần nghề cá...
Cửa biển Sông Đốc đang trong thời điểm tàu vào bờ. Ảnh: Phong Phú. |
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thị trấn Sông Đốc diễn biến phức tạp, nhiều khu vực phải tiến hành phong toả, nhất là khu vực Cảng cá Sông Đốc, đã khiến công tác quản lý, kiểm soát hoạt động bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa của ngư dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Khó nhất là việc vừa phải thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vừa phải đảm bảo nắm chặt thông tin, số liệu về sản lượng, thành phần loài thủy sản từ khai thác được bốc dỡ, đáp ứng theo các quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Thực tế, khi Cảng cá Sông Đốc bị phong toả do có F0, đã khiến một số cơ sở sản xuất kinh doanh nơi đây gặp nhiều khó khăn do không thể bốc dỡ hàng hoá.
Nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp dùng xe nhỏ để vận chuyển hàng hoá ra xe lớn. |
Mặc dù đã chủ động vận chuyển hơn 80 tấn hàng thuỷ hải sản trữ tại 2 kho ở TP Hồ Chí Minh, thế nhưng Cơ sở thu mua chế biến thuỷ sản Bình Minh (khóm 11, thị trấn Sông Đốc) vẫn còn kẹt hơn 100 tấn hàng tại kho ở Cảng cá Sông Đốc. Bà Nguyễn Ngọc Diệp, chủ sơ sở, chia sẻ: “Mấy ngày nay khách hàng điện thoại hối liên tục, nhưng không thể xuất được kho do bị phong toả. Giờ chẳng biết làm gì khác hơn ngoài việc năn nỉ đối tác”.
Để việc sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ, hiện nay một số công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Công ty TNHH MTV Chế biến thuỷ sản Quốc Đạt là một trong những doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”. Dù duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng công ty cũng đang gặp không ít khó khăn.
Theo bà Trần Thị Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, chi phí ăn, ở cho công nhân, chi phí vận chuyển hàng hoá tăng do giá xăng dầu tăng, phát sinh thêm chi phí xét nghiệm… Tất cả đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. “Nếu như trước đây chỉ chi 10 đồng, thì giờ phải chi đến 30 đồng, nên hoạt động gần như không có lãi”, bà Oanh cho hay.
Dù sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ nhờ thực hiện “3 tại chỗ”, song Công ty TNHH MTV Chế biến thuỷ sản Quốc Đạt cũng đang gặp khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao. |
Chi phí tăng cao đã khiến cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua thuỷ hải sản tại thị trấn Sông Đốc hạn chế việc nhập hàng cả về số lượng lẫn chủng loại. Theo bà Diệp cho biết, nếu như trước đây một thùng hàng khoảng 40 kg gởi xe chỉ tốn phí khoảng 120 ngàn đồng, thì giờ phải chi trả hơn 250 ngàn đồng. Chính việc chi phí tăng cao và tình trạng xuất bán khó khăn nên cơ sở chỉ thu mua những mặt hàng theo hợp đồng đã có trước, còn lại tạm ngưng.
Mặt hàng giá trị cao là sản phẩm chính mà Cơ sở thu mua, chế biến thuỷ sản Bình Minh lựa chọn trong thời điểm này. |
Hiện nay, Sông Đốc đang trong thời điểm ghe biển vào bờ, theo đó sẽ có hàng chục ngàn lao động tập trung về đây trong thời gian ngắn, cùng với đó là hàng chục ngàn tấn thuỷ hải sản các loại. Đây là một áp lực rất lớn cho cả công tác phòng, chống dịch cũng như việc lưu thông, tiêu thụ hàng hoá của ngư dân và doanh nghiệp.
Để đảm bảo tình hình dịch bệnh không diễn biến phức tạp hơn, ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, khi ghe vào sẽ test Covid-19 cho toàn bộ thuyền viên và bố trí nơi neo đậu, cách ly toàn bộ thuyền viên trên ghe.
Đồn Biên phòng Sông Đốc đã thành lập đội tuần tra, trực 24/24 giờ để kiểm tra việc tuân thủ cách ly của các thuyền viên. Đồng thời, triển khai cho các chủ phương tiện tiến hành lập danh sách để tiêm vắc-xin cho ngư phủ, hiện nay lượng vắc-xin cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Riêng đối với việc tiêu thụ, lưu thông hàng hoá, ông Hồ Song Toàn cho biết thêm: “Huyện chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch tăng cường kiểm soát chặt việc ra vào, những cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện. Theo đó, đối với trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và xét nghiệm âm tính trong 72 giờ thì việc ra vào bình thường.
Huyện cũng đã làm việc với Ban quản lý Cảng cá Sông Đốc, nhanh chóng tiến hành xét nghiệm, di dời các trường hợp đang cách ly tại đây và tiến hành khử khuẩn để đưa cảng cá hoạt động trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bốc dỡ hàng hoá”.
Ông Hồ Song Toàn thông tin, khi tàu ra cũng phải tiến hành test nhanh, trên tàu phải được trang bị đầy đủ cơ số thuốc và bình oxy mới được ra cửa. Để tránh tình trạng khan hiếm cục bộ các mặt hàng này, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động liên hệ các đầu mối, cung cấp thông tin cơ sở cung ứng các mặt hàng này cho chủ ghe để mua sắm./.
Khánh Phương - Nguyễn Phú