Thời gian gần đây,al faisaly tình trạng ly hôn có xu hướng tăng về số vụ nhưng độ tuổi của các đương sự trong án ly hôn lại giảm.
Một vụ hòa giải tại tòa về án ly hôn.
Vài năm trở lại đây, cùng với tranh chấp về nợ hụi thì tình trạng ly hôn ngày càng tăng và là một trong những vấn đề đáng báo động trong xã hội. Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Vị Thanh, năm 2014, tổng số án hôn nhân và gia đình đã thụ lý và giải quyết là 197 vụ, đến năm 2015 là 184 vụ. Riêng từ tháng 10-2015 đến nay là hơn 140 vụ.
Không riêng gì tại thành phố Vị Thanh, mà nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng này, đơn cử như ở huyện Châu Thành. Trong 6 tháng, từ tháng 10-2015 đến nay, TAND huyện đã tiếp nhận gần 90 trường hợp xin ly hôn, độ tuổi của các đương sự phần lớn dưới 35.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo TAND huyện Châu Thành cho biết, sự phát triển kinh tế kéo theo xã hội có nhiều thay đổi khiến các cặp vợ chồng hiện nay dành thời gian cho nhau không nhiều, cùng với đó là áp lực công việc, tiền bạc… Không có sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau hoặc do chưa tìm hiểu kỹ trước khi đi đến hôn nhân, sau một thời gian chung sống thì phát sinh mâu thuẫn dẫn đến đổ vỡ.
Trường hợp của N. và H., cả hai kết hôn sau 1 năm tìm hiểu. Nhưng theo H., sau khi kết hôn, N. không lo làm ăn, không quan tâm, chăm sóc H.; còn N. thì cho rằng, H. không chung thủy, sau khi sinh được một con chung thì H. đi làm ăn xa, 3 năm sau thì H. và N. quyết định chia tay khi H. tìm được… tình yêu mới.
Phần lớn các trường hợp nộp đơn ly hôn tại tòa hiện nay tỷ lệ hòa giải thành đoàn tụ rất thấp. Trong một số trường hợp dù một bên không muốn ly hôn, nhưng tòa án phải chấp thuận để cả hai ly hôn do nhận thấy mối quan hệ của hai bên không còn khả năng hàn gắn. Như trường hợp của anh T. và chị L. Anh T. nộp đơn ly hôn dù chị L. không đồng ý. Sau đó, tòa tiến hành hòa giải và hoãn xét xử một lần cho hai bên có thời gian suy nghĩ để đoàn tụ, nhưng không có kết quả. Theo thẩm phán thụ lý vụ án, niềm tin nội tâm của người thẩm phán và qua trao đổi với anh T., thì do anh đã có tình cảm với người khác nên không thể chung sống với chị L. Tòa tuyên ly hôn là bất khả kháng, không còn giải pháp nào khác.
Hệ lụy lớn nhất khi các cặp vợ chồng ly hôn chính là con chung của hai người sẽ bị ảnh hưởng. Theo quy định, con chung dưới 3 tuổi sẽ được giao cho mẹ nuôi dưỡng, nếu giữa hai người không có thỏa thuận. Còn trong trường hợp từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi nếu có tranh chấp, tòa án sẽ xem xét các yếu tố về thu nhập, khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc,… để giải quyết nhằm tránh sự xáo trộn về môi trường sống cho trẻ. Tuy vậy, khi cha mẹ ly hôn, dù ít hay nhiều thì chắc chắn các trẻ cũng phải chịu những ảnh hưởng về tâm lý.
Theo ông Võ Thái Sơn, Chánh án TAND thành phố Vị Thanh, để có thể giảm tình trạng ly hôn… “nóng” như hiện nay, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về hôn nhân và gia đình cho các đối tượng nằm trong độ tuổi kết hôn, nhất là những người trẻ và ở vùng nông thôn. Từ đó để mọi người có sự chuẩn bị và nhận thức đúng đắn về vấn đề hôn nhân mới có thể hạn chế được tình trạng ly hôn nhiều như hiện nay.
Có thể thấy, hôn nhân đổ vỡ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân các bên đương sự, mà còn tác động đến xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào ấy không còn nữa, tất nhiên xã hội sẽ tổn thương. Sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ là những đứa trẻ phải sống trong tình cảnh thiếu vắng tình cảm của cha hoặc mẹ, đó là hậu quả đáng tiếc nhất chỉ vì sai lầm trong hôn nhân…
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO