Phim kể về hàng loạt cái chết bí ẩn ở Làng Địa ngục, nơi khởi nguồn của loại ma thuật cổ xưa: 5 mạng đổi bình rượu sọ người. Lấy bối cảnh ngôi làng thời cô Phong - bà nội ông Thập trong Tết ở Làng Địa ngục, người xem lần nữa được chứng kiến các chi tiết liêu trai đầy ma mị, căn bệnh mồ hôi máu ma quái, bà Vạn lái đò chở vong trong truyền thuyết và cả lũ đom đóm câu hồn đầy quỷ dị.
Sau đám cưới đầy điềm gở của cô Phong (Hoàng Hà) và cậu Sang (Võ Điền Gia Huy), trong làng liên tiếp xảy ra những cái chết kỳ bí. Mỗi người chết đều trải qua hoàn cảnh thảm thương khi bị lấy mất đi một bộ phận cơ thể. Những lời đồn đại và nghi kỵ bắt đầu lan xa trong làng. Người dân quay sang tố cáo và kết tội nhau, thậm chí nghi ngờ có kẻ dùng tà thuật trong làng. Liệu ai mới là kẻ đứng sau mọi chuyện?
Có thể nói, bộ phim Kẻ ăn hồn đã tận dụng tốt được sự kết hợp giữa dàn diễn viên thực lực 2 miền Nam - Bắc từ series cho đến bản điện ảnh, đem đến cho người xem những trải nghiệm diễn xuất đầy sống động của các gương mặt nổi bật như: NSƯT Chiều Xuân (bà Tám Kheo), nghệ sĩ Viết Liên (ông Khôi), NSND Ngọc Thư (Thị Khôi), Lan Phương (Thập Nương), Hoàng Hà (cô Phong), Nguyễn Hữu Tiến (ông Dần), Võ Điền Gia Huy (cậu Sang), Huỳnh Thanh Trực (cậu Khảm)...
Sự kết hợp của dàn diễn viên thực lực và các nghệ sĩ trẻ khiến tác phẩm trở nên sống động về mặt diễn xuất. Trong đó, hai vai nổi bật nhất là của Hoàng Hà và NSƯT Chiều Xuân. Hoàng Hà gây bất ngờ khi từ bỏ hình tượng nàng thơ nhẹ nhàng, trong sáng quen thuộc để vào một vai có nhiều cảnh dữ dội. Nhân vật Phong là người có khả năng kỳ lạ khi có thể nhìn thấy những người chết. Cô cũng có những phân cảnh bị nhập đến mất kiểm soát bản thân mình, cũng như luôn nghi ngờ liệu mình có phải là kẻ đã vô thức gây ra những tội ác trong làng. Trong đó, NSƯT Chiều Xuân khiến nhiều khán giả đồng cảm khi vào vai một người mẹ mất con. Phân cảnh cô gào khóc đến điên dại ở bờ suối là một trong những đoạn cảm xúc nhất phim.
Bên cạnh đó, Kẻ ăn hồn cũng là một dự án phim được đầu tư chỉn chu từ khâu chuẩn bị sản xuất đến thành phẩm cuối cùng. Trong những video hậu trường được nhà sản xuất chia sẻ, để có được một tác phẩm hoàn chỉnh, nhà sản xuất Hoàng Quân cùng đạo diễn Trần Hữu Tấn đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm một ngôi làng tràn ngập sự âm u, lạnh lẽo. Trong lúc ghi hình, đoàn phim gồm hơn 200 người cũng trải qua hai tháng sinh sống ở bối cảnh quay ở ngôi làng Sảo Há (Hà Giang) trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, với nhiệt độ ở thời điểm thấp nhất là 1 độ C. “Có lúc nhiều thiết bị điện tử trong đoàn không hoạt động được vì trời quá lạnh”, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ. Thậm chí, đội ngũ hậu cần của phim đã tìm cách kéo đường ống dẫn nước sạch lên độ cao hơn 2000m qua 3 ngọn đồi để có thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cả đoàn cũng là một quá trình đầy nỗ lực.
Nỗ lực cải thiện chất lượng trải nghiệm của người xem là một điều không thể bỏ sót khi nhắc đến Kẻ ăn hồn. Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Với tôi, dù là làm phim kinh dị, vẫn phải thể hiện tình yêu văn hoá, tôn vinh văn hóa trong tác phẩm. Đề bài tôi đặt ra cho ê kíp mình chính là làm mọi thứ phải thuần Việt nhất trong khả năng”. Để đảm bảo những hình ảnh trong phim bám sát với mốc thời gian trong quá khứ và có thể xây dựng nên một tác phẩm đậm chất “Việt”.
Đồng hành cùng đoàn phim còn có sự cố vấn sử học của Phan Thanh Nam (Hoạ sĩ Ấm Chè), giúp đảm bảo mọi chi tiết trong phim phù hợp với bối cảnh. Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư phục trang kỹ lưỡng có kết hợp các khuôn mẫu từ cổ phục của Việt Nam: áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, tạo hình nhân vật và sử dụng kỹ thuật hóa trang đặc biệt trong phim cũng đem lại cho người xem những trải nghiệm chân thật hơn so với việc lạm dụng kỹ xảo hậu kỳ. Thêm vào đó, đoàn phim còn đưa những hình ảnh văn hoá dân gian nổi bật vào phim như đám cưới chuột, con đò chở vong, bài vè của trẻ em,...
Phần âm thanh trong phim cũng là một điểm cộng khi trải nghiệm xem phim Kẻ ăn hồn tại rạp. Mặc dù, về lời thoại, âm giọng của diễn viên 2 miền Nam - Bắc có thể khiến những khán giả khó tính sẽ đánh giá khắt khe hơn ở những đoạn diễn viên thoại ở tông giọng thấp. Nhưng ngược lại, âm nhạc phim được sáng tác dựa trên nhiều loại nhạc cụ truyền thống mang âm hưởng đồng bằng lẫn vùng cao để mang đến cảm giác vừa quen thuộc vừa mới lạ. Sự kết hợp hài hoà với đường hình cũng góp phần đẩy cảm xúc của người xem khi đến những tình tiết quan trọng, gay cấn.
Có thể thấy, những con người tạo nên tác phẩm Kẻ ăn hồn đã chọn một con đường đầy thử thách khi khai thác các chất liệu dân gian Việt Nam, từ những câu chuyện văn hoá cho đến con người, cảnh vật thiên nhiên và tạo ra được những nỗi sợ có phần ám ảnh và thân thực hơn, gần gũi hơn với khán giả Việt. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy dòng phim kinh dị Việt xưa nay vốn không được đánh giá cao, đã được các nhà làm phim đầu tư chăm chút một cách tỉ mỉ hơn.