Vượt qua khó khăn Có mặt ở Trường mầm non Xuân Lộc từ sáng sớm, đã thấy giáo viên và học sinh đến trường để ổn định và chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Tâm trạng của giáo viên và học sinh đều rất háo hức. Cô giáo Trần Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Lộc chia sẻ, năm học mới này, nhà trường được đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2; khen thưởng tập thể lao động xuất sắc của tỉnh, khen thưởng của UBND huyện. Đằng sau thành quả đó là một quá trình dài với nhiều nỗ lực. Cách đây hơn 3 năm, cảnh quan ngôi trường ở xã miền núi của huyện Phú Lộc còn khá thô sơ. Thời điểm ấy, khi trò chuyện với nhiều cô giáo, ai cũng tỏ ra đầy trăn trở. Đóng chân ở một xã miền núi khó khăn về kinh tế, trường có một sơ sở lẻ nằm ở bản Phúc Lộc là vùng đặc biệt khó khăn với 100% là người dân tộc Bru-Vân Kiều, những khó khăn trong việc huy động xã hội hóa dường như không thể.
Cô Khuyên kể, trước đây, trường có 4 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn. Quỹ đất của trường tại điểm trường chính hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu về diện tích. Khó khăn chồng chất khi các phòng học xây dựng đã lâu đang trong quá trình xuống cấp, thiếu toàn bộ các phòng chức năng, khu hiệu bộ; trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi chưa được đảm bảo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thiếu về số lượng; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa cao vì vậy mọi điều kiện làm việc, sinh hoạt và hoạt động chuyên môn của trường còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Điều kiện dạy và học đã khó, việc huy động học sinh đến trường càng khó hơn. Anh Hồ Văn Yên, Trưởng bản Phúc Lộc nhớ lại: “3-4 năm trước, dù nhà cách trường 5-6km nhưng việc huy động học sinh đến trường vẫn còn khó lắm. Giáo viên chủ yếu là người kinh, còn các em học sinh thì là người Bru-Vân Kiều nên nhiều em e ngại. Phụ huynh trong bản đi làm rẫy, ở lại cả ngày, con thì cho ở nhà không đến trường, một phần vì kinh tế khó khăn. Thấy thế, các cô đến vận động, chở học sinh đi học, miễn giảm nhiều khoản cho học sinh, từ đó phụ huynh quan tâm hơn việc học của con”. Nung nấu ước nguyện thay đổi bộ mặt nhà trường, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, tháng 8/2020, khi cô Khuyên chuyển công tác về trường, tập thể ban giám hiệu nhà trường đã họp, trải lòng về mong muốn chung và quyết định đưa nội dung xây dựng Trường mầm non Xuân Lộc đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 ưu tiên, chú trọng lên hàng đầu trong năm học. Toàn thể giáo viên cùng với các lực lượng hỗ trợ xắn tay vào làm từng việc từ nhỏ đến lớn, từ trồng cây xanh, cải tạo không gian phòng học đến toàn bộ cảnh quan ngôi trường, khu vui chơi, dần dần ngôi trường được “thay áo mới”. “Điểm hạn chế của trường mầm non thường thì giáo viên toàn bộ là nữ, trong khi việc xây dựng môi trường học cho trẻ có nhiều mảng, nhiều yêu cầu hơn. Tuy nhiên, việc nặng, việc nhẹ gì chúng tôi cũng cố gắng, nỗ lực vì sự phát triển của nhà trường, vì chất lượng giáo dục cho học sinh”, cô giáo Mai Thị Mộng Lành chia sẻ. Tiếp tục nỗ lực Trường mầm non Xuân Lộc hiện có 2 điểm trường với 11 nhóm/lớp, điểm trường chính ở thôn Hưng Lộc; điểm trường lẻ ở Phúc Lộc cách điểm trường chính 2,5km. Cơ sở vật chất được đầu tư ngày càng khang trang, quỹ đất đảm bảo; các phòng học được xây mới và sửa chữa đảm bảo đúng quy định; có đầy đủ các phòng chức năng và phòng hiệu bộ. Diện tích, khuôn viên và khu vực cho trẻ chơi đảm bảo yêu cầu, cây xanh được trồng đều khắp khuôn viên trường tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 100% học sinh đều học bán trú. Thành tích của nhà trường những năm học gần đây có sự chuyển biến tích cực, được đánh giá cao về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong toàn huyện. Chị Hồ Thị Linh C, phụ huynh của một học sinh nhà trường kể: “Ở trường các cô rất tâm huyết, tận tình, vừa chăm lo dạy dỗ học sinh, vừa cải tạo làm đẹp ngôi trường. Các cô giáo thực sự đã thay phụ huynh chăm lo, giáo dục cho con rất tốt, tạo sự yên tâm cho chúng tôi rất nhiều". Theo cô Khuyên, cùng với sự quan tâm, ủng hộ từ ngành giáo dục và chính quyền địa phương thì kinh nghiệm quý giá nhất vẫn là sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể giáo viên nhà trường, sự linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, hoạt động. Mỗi cô giáo đều xem việc trường là việc nhà thì mọi mục tiêu đều chinh phục được, dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn.
Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc khẳng định, mầm non có lẽ là bậc học gặp nhiều khó khăn nhất trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và Trường mầm non Xuân Lộc thực sự là một điểm sáng. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực vượt khó sẽ đem lại được kết quả tốt và những khen thưởng, công nhận với nhà trường là minh chứng điển hình. Ngày khai giảng năm nay ở Trường mầm non Xuân Lộc tưng bừng niềm vui, nhưng các cô giáo của nhà trường vẫn còn đó những trăn trở. Thấy tôi thắc mắc, họ bảo, năm học mới phải tốt hơn năm học cũ, ngày mai phải tốt hơn hôm nay, và đó là một áp lực. Nhưng áp lực sẽ trở thành động lực khi mọi nỗ lực đều đem lại giá trị và chất lượng giáo dục cho học sinh ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này. |