Bội chi giảm 37,7% so với dự toán
Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, dự toán thu NSNN năm 2021 là 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Thu ngân sách tăng chủ yếu do tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; sản lượng dầu thô khai thác và giá dầu thô tăng cao; hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh.
Thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao. Tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn là 132.418 tỷ đồng.
Về chi, dự toán chi là 1.701.713 tỷ đồng; quyết toán 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán. Trong đó chi thường xuyên quyết toán 1.061.316 tỷ đồng, tăng 12.141 tỷ đồng so với dự toán. Năm 2021, NSNN đã chi 97.903 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên bằng 62,97% tổng chi NSNN; không kể chi tạo nguồn cải cách tiền lương bằng 62,4%. Chi đầu tư phát triển quyết toán 540.046 tỷ đồng, tăng 60.478 tỷ đồng (12,6%) so với dự toán.
Dự toán bội chi NSNN Quốc hội quyết định là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP. Quyết toán số bội chi NSNN là 214.105 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện, giảm 129.565 tỷ đồng (37,7%) so với dự toán.
Năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi NSNN chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; trong đó, đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm. Số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn. Một số bộ, ngành, địa phương chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, thực hiện quyết toán ngân sách và gửi về Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp còn chậm và chưa đúng quy định.
Nhận định đúng tình hình, khen chê đúng địa chỉ
Phát biểu về một số vấn đề trong các báo cáo trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần có sự thống nhất số liệu trong các báo cáo; đồng thời có những đánh giá đúng, hiểu đúng bản chất sự việc, vì nếu không đánh giá chính xác thì khi đưa ra Quốc hội sẽ làm đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Chi trả nợ lãi giảm do phát hành trái phiếu phù hợp tiến độ thu chi ngân sách Chi trả nợ lãi năm 2021 quyết toán 101.778 tỷ đồng, giảm 8.287 tỷ đồng (7,5%) so với dự toán, chủ yếu do công tác phát hành trái phiếu chính phủ năm 2020 phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư, dẫn đến giảm số dư nợ vay thời điểm cuối năm 2020 so với dự kiến xây dựng dự toán năm 2021, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến. |
Một trong những vấn đề Bộ trưởng nêu là đánh giá về việc vay nợ gắn với tiến độ thu chi, trả nợ gốc, khả năng trả nợ và giải ngân đầu tư công. Theo Bộ trưởng, năm 2021, ngân sách trung ương chỉ vay trong nước hơn 368 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 159 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Quốc hội quyết định. Để đảm bảo điều hành kịp thời, ngân sách phải luôn có sẵn tiền để phục vụ các nhu cầu chi tiêu. Ngay việc phát hành vay cũng không chắc chắn sẽ vay được đúng số đã định, như vậy thì sẽ không có đủ nguồn để đảm bảo các nhu cầu chi theo kế hoạch và phát sinh.
Đối với đánh giá về quản lý quỹ ngân sách, Bộ trưởng cũng đề nghị phải bóc tách vấn đề, làm rõ lý do tồn quỹ, lý do không giải ngân được, trong đó có nhiều nguyên nhân từ chính sách pháp luật, từ các quy định hiện hành… Hiện nay, còn một số quy định gây ách tắc việc giải ngân cần sớm được tháo gỡ để triển khai thông suốt trên cả nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn bày tỏ thống nhất cao với giải thích của Bộ Tài chính về nội dung vay nợ và cho rằng, dưới góc độ thị trường, vay của NSNN, ngoài đáp ứng nhu cầu chi tiêu, đảm bảo thanh khoản, còn mục tiêu quan trọng là phát triển thị trường vốn. Lãi suất trái phiếu chính phủ chính là lãi suất chuẩn để thị trường vốn phát triển, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho người cho vay. Tổ chức huy động vốn căn cứ lãi suất trái phiếu chính phủ để xác định lãi suất cho vay. Vấn đề cơ bản là quản lý tiền huy động như nào cho hiệu quả.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, phải thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Trong bối cảnh đó, nhưng tổng thể thu ngân sách vượt dự toán 12,7%, tỷ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu NSNN, chi ngân sách cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ của Nhà nước, tỷ trọng chi thường xuyên bằng 62,97%, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, kỷ luật thu chi NSNN từng bước được cải thiện.
Nhấn mạnh các kết quả này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần đánh giá đúng tình hình để khi đưa ra Quốc hội đánh giá về một năm ngân sách cần có khen chê đúng mực, phải chỉ rõ địa chỉ và nêu nhận định đúng.
Bên cạnh đó, qua báo cáo KTNN, của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các ý kiến phát biểu, UBTVQH nhận thấy còn những bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.
Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm về tài chính, ngân sách Báo cáo về việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Chính phủ cho biết đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ. Tính đến ngày 23/3/2023, đã thực hiện được 22.151 tỷ đồng, đạt 87,2% số kiến nghị liên quan đến NSNN đối với quyết toán NSNN năm 2020. Năm 2021, KTNN có 198 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản. Trong đó, đối với 91 kiến nghị của KTNN về hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã thực hiện hoàn thành 23 kiến nghị, còn 68 kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai thực hiện. Trong xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2020 theo kiến nghị của KTNN (tính đến ngày 31/3/2023), Chính phủ báo cáo tổng số tổ chức đề nghị xử lý là 1.444, trong đó đã xử lý theo kết luận 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; hiện đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; số chưa xử lý là 22 tổ chức, chiếm 1,52%. Đối với cá nhân, tổng số đề nghị xử lý là 2.735, trong đó đã xử lý 2.519 người, chiếm 92,1%; hiện đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; còn lại 16 người chưa xử lý, chiếm 0,59%. |