Theo Cục Thú y, trong thời gian vừa qua, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản bị tồn dư kháng sinh, chất độc hại đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín xuất khẩu sản phẩm động vật và sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Đồng thời, qua khảo sát đã phát hiện người nuôi trồng thủy sản sử dụng nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin là hoạt chất cấm sử dụng để phòng, trị bệnh thủy sản theo quy định tại Thông tư 03/2012/TT-BNNPTNT ngày 16-1-2012 của Bộ NN&PTNT.
Do đó, kể từ ngày 15-4-2016, Cục Thú y tạm dừng nhập khẩu 3 tháng đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin để kinh doanh, sản xuất thuốc thú y cho mục đích sử dụng trong nước.
Các giấy phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh này đã được Cục Thú y cấp phép không còn hiệu lực kể từ ngày 15-4-2016. Các lô hàng nguyên liệu Enrofloxacin đã làm thủ tục xuất khẩu về Việt Nam trước ngày 15-4 thì được phép làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với doanh nghiệp đã ký hợp đồng và chuyển tiền cho công ty xuất khẩu nguyên liệu Enrofloxacin trước ngày 15-4, căn cứ hợp đồng và giấy xác nhận chuyển tiền của Ngân hàng, Cục Thú y sẽ xem xét cho phép nhập khẩu đối với từng trường hợp cụ thể.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y: Đối với trường hợp đăng ký nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin để sản xuất thuốc thú y cho mục đích xuất khẩu, Cục Thú y sẽ thẩm định, cấp phép nhập khẩu và quản lý chặt chẽ nguyên liệu nhập khẩu, bảo đảm việc sử dụng nguyên liệu kháng sinh đúng mục đích sử dụng.
Đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofoxacin đã nhập khẩu chỉ được phép sử dụng để sản xuất thuốc thú y đã được cấp phép lưu hành tại nhà máy sản xuất có Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y hoặc bán cho cơ sở đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc thú y còn hiệu lực theo quy định.
Việc cấm sử dụng Enrofloxacin trong chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ được xem xét.