Giá trị giao dịch của TTCK tăng 9,7% Báo cáo Sơ kết thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ đã tích cực, chủ động xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, triển khai các bước nhằm tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) bền vững nhằm thu hút vốn đầu tư, hỗ trợ công tác cổ phần hóa và xử lý nợ xấu. Đồng thời, Bộ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn về công bố thông tin, đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch, cải thiện thanh khoản cho hàng hóa trên thị trường, về quản trị công ty theo hướng tiếp cận dần với các thông lệ quốc tế; nghiên cứu, phát triển và từng bước đưa các sản phẩm chứng khoán mới. Cũng trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thị trường này hoạt động và phát triển, góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển vững chắc của TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp dần khoảng cách giữa TTCK Việt Nam với thế giới. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và quy mô phát triển của thị trường; củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có vấn đề về an toàn tài chính, thanh khoản; vi phạm các quy định về giao dịch, bảo vệ tài sản của nhà đầu tư; tăng cường công tác giám sát giao dịch, kịp thời phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán... để xử lý theo quy định của pháp luật. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, TTCK 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục được củng cố và phát triển. Cụ thể: Giá trị vốn hóa TTCK đạt gần 31,1% GDP (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014); giá trị giao dịch tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014; tổng giá trị huy động vốn qua TTCK hơn 96 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng hóa trị huy động vốn thông qua kênh trái phiếu chính phủ đạt trên 82 nghìn tỷ đồng. Vì sao trái phiếu chính phủ giảm hấp dẫn? Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ năm 2015 tuy thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn hết sức nặng nề với tổng kế hoạch huy động là 250.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/6/2015, đã phát hành gần 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng khoảng 36,8% kế hoạch. Theo Bộ Tài chính, công tác phát hành trái phiếu chính phủ từ giữa tháng 3/2015 trở lại đây gặp khó khăn, nhiều phiên đấu thầu không thành công, khối lượng dự thầu và khối lượng trúng thầu thấp, lãi suất có xu hướng tăng (trong tháng 6, lãi suất trái phiếu chính phủ đã tăng 95 điểm đối với kỳ hạn 5 năm, 112 điểm kỳ hạn 10 và 4 điểm kỳ hạn 15 năm). Bộ Tài chính lý giải, nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu do, việc chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 của Quốc hội làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài, qua đó giảm sức "hấp dẫn" của trái phiếu chính phủ. Cùng với đó, nhà đầu tư trái phiếu chính phủ chủ yếu là các ngân hàng thương mại; trong điều kiện tăng trưởng tín dụng tốt hơn, các ngân hàng này có xu hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm cầu đối với trái phiếu chính phủ để đảm bảo cân đối thanh khoản; tỷ giá có sự biến động ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trái phiếu, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, thay cho việc chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên như quy định tại Nghị quyết số 78; mở rộng các hình thức vay ngoài nước để huy động các khoản vốn dài hạn, lãi suất phù hợp với thị trường cho cân đối NSNN và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ./. D.T |