Cụ thể, Tổng cục yêu cầu các đơn vị quán triệt các chi cục hải quan, tuyên truyền, phổ biến đến các hãng tàu, đại lý hãng tàu, DN kinh doanh cảng, DN hoạt động trong lĩnh vực NK phế liệu về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động NK và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu, hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu NK theo đúng hướng dẫn tại công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Tăng cường phân tích thông tin khai báo trên manifest để kịp thời ngăn chặn từ xa, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với các container chứa chất thải, phế liệu không đáp ứng các điều kiện, quy định về bảo vệ môi trường.
Tập trung, bố trí lực lượng để giải quyết thủ tục thông quan nhanh, đúng quy định đối với các lô hàng phế liệu NK của các DN đã được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận còn hiệu lực, còn hạn ngạch NK và đáp ứng các quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị Hải quan địa phương rà soát, phân loại, thống kê các lô hàng tồn đọng thông qua việc xác minh, thông báo tìm chủ hàng; kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng; thống kê số liệu hàng hóa tồn đọng.
Theo đó, đối với việc xác minh, thông báo tìm chủ hàng, đối với các lô hàng tồn đọng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, đã hết thời hạn thông báo theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 203/2014/TT-BTC, nhưng chưa có người đến nhận, cục hải quan các tỉnh, thành phố giao Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng thực hiện kiểm kê, phân loại theo hướng dẫn của Tổng cục.
Đối với các lô hàng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, đang thông báo tìm chủ hàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 203/2014/TT-BTC, cục hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi, nếu có DN đến nhận hàng thì yêu cầu DN xuất trình đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ theo quy định để NK hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và bố trí cán bộ công chức tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhanh chóng làm thủ tục NK theo quy định của pháp luật.
Đối với các lô hàng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, chưa thực hiện thông báo tìm chủ hàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 203/2014/TT-BTC, cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan cửa khẩu rà soát và thực hiện ngay việc thông báo tìm chủ hàng kể từ ngày nhận được công văn này.
Cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với cơ quan Công an xác minh, truy tìm chủ hàng hóa đối với các trường hợp nêu trên tại điểm a, b, c mục này. Trường hợp phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm hình sự, DN không có trụ sở theo địa chỉ đã khai báo trên Hệ thống E-manifest thì chuyển thông tin hàng hóa đến cơ quan có chức năng để điều tra.
Đối với các lô hàng lưu giữ tại kho bãi cảng từ 60 đến 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, cục hải quan các tỉnh, thành phố, yêu cầu hãng tàu cung cấp thông tin các DN không đến nhận hàng theo quy định tại Điều 167 Bộ luật Hàng hải năm 2015; chỉ đạo chi cục hải quan cửa khẩu có văn bản thông báo cho các DN đến làm thủ tục NK.
Đối với các lô hàng tồn đọng đang được các cơ quan chức năng (Công an, Điều tra chống buôn lậu) điều tra xử lý, cục hải quan các tỉnh, thành phố không thực hiện việc xác minh, thông báo tìm chủ hàng; tổ chức giám sát chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Về việc kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: Chỉ thực hiện đối với các lô hàng tồn đọng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu đã hết thời hạn thông báo theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 203/2014/TT-BTC mà chưa có người đến nhận.
Việc kiểm kê, phân loại thực hiện như sau: Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng có trách nhiệm mời đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện hãng tàu, đại diện DN kinh doanh kho, bãi, cảng và phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo quy định. Việc kiểm kê, phân loại thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 203/2014/TT-BTC. Kết thúc việc kiểm kê, phân loại thì lập Biên bản có xác nhận của các đơn vị tham gia, ghi nhận kết quả kiểm kê, phân loại, trong đó xác định rõ: Phế liệu nhựa; phế liệu giấy; phế liệu sắt, thép, kim loại; phế liệu khác; chất thải; hàng hóa khác. Đối với phế liệu xác định rõ có đủ tiêu chuẩn NK hay không, trường hợp không thể xác định bằng mắt thường thì thực hiện lấy mẫu gửi tổ chức chứng nhận sự phù hợp giám định và tổng hợp kết quả báo cáo Tổng cục Hải quan.
Sau khi hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, Hội đồng xử lý giao chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa tổ chức giám sát chặt chẽ và báo cáo Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Tổng cục Hải quan cũng giao các đơn vị hải quan địa phương thống kê số liệu các lô hàng tồn đọng báo cáo gửi về Tổng cục Hải quan.
Để triển khai chặt chẽ các nhiệm vụ, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố; Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các nội dung chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền trong quản lý chặt chẽ phế liệu NK, các trường hợp vi phạm phải xử lý kịp thời, đúng quy định.