Chiều 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệpBáo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 83 điều. Một trong số các nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý là về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9). Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, trong thực tế, việc xác định mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong khái niệm kinh doanh tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khái niệm kinh doanh bất động sản tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật là khó thực hiện. Do đó, nếu không quy định về tiêu chí phân biệt theo quy mô sẽ dẫn đến mọi hoạt động mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng đều bắt buộc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, không khả thi trong thực tế. Vì vậy, dự thảo luật được chỉnh sửa tại khoản 3 và khoản 6, bổ sung khoản 4 Điều 9 theo hướng:
Tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng dưới mức quy mô nhỏ thì không phải thực hiện các quy định của dự thảo luật nhưng phải kê khai nộp thuế. Trường hợp bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng giữa cá nhân với cá nhân thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, nhằm bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, hạn chế nguy cơ gian lận, lừa đảo… Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, phải kê khai nộp thuế và thực hiện các quy định khác của dự thảo luật. Quy định này không áp dụng với tổ chức để bảo đảm tính chuyên nghiệp và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Các trường hợp tổ chức, cá nhân khác thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về số lượng và giá trị đối với từng loại bất động sản để xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ. Chưa có phương án xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sảnNgoài ra, liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, điểm d khoản 2 Điều 1 dự thảo luật quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý tài sản bảo đảm là nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật”. Theo Ủy ban Kinh tế, nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản.
Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đã có Công văn số 2264/UBKT ngày 4/10 đề nghị Chính phủ có phương án cụ thể. Ngày 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về việc hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó, theo Thông báo số 465/TB-VPCP ngày 11/11/2023, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan thống nhất với các cơ quan của Quốc hội để đề xuất phương án. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa có ý kiến chính thức về nội dung này tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm có phương án cụ thể về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để tránh tạo khoảng trống pháp lý. Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật với xử lý tài sản bảo đảm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị khi thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa vào một điều trong dự thảo. Báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có văn bản của Ủy ban Kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tổ chức họp, giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp để có ý kiến đề xuất đối với nội dung này. Qua nghiên cứu ý kiến của NHNN và Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng nhận thấy, nếu không quy định liên quan xử lý tài sản đảm bảo sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý. “Qua ý kiến các bộ ngành, Bộ Xây dựng nhận thấy, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên đưa một quy định dẫn chiếu qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để đảm bảo quy định cụ thể vấn đề này” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu ý kiến.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện phương án chính thức của Chính phủ. Hiện tại, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành không có quy định nào về điều kiện thế chấp với các loại tài sản. Đại diện NHNN đề nghị dẫn chiếu một cách phù hợp, theo đó, khi xử lý các tài sản, điều kiện chuyển nhượng đối với dự án cũng như trình tự, thủ tục được thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản, để có cơ sở triển khai thực hiện trên thực tiễn. |